Học viện Nông nghiệp VN: Nhiều khuất tất trong “Thỏa thuận hợp tác”

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đơn phương chấm dứt Thỏa thuận hợp tác với Công ty CPXNK và phát triển An Nhiên, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn trầm trọng.

Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được đơn kêu cứu của Công ty CPXNK và phát triển An Nhiên về viện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đơn phương chấm dứt Thỏa thuận hợp tác, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn trầm trọng.

“Nhì nhằng” trong các thỏa thuận hợp tác

Theo đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần XNK và phát triển An Nhiên (Công ty An Nhiên), tiền thân của Công ty là Công ty Cổ phần phát triển Phương Bắc do bà Nguyễn Thị Ngọc Chuyên là Giám đốc.

Ngày 30/1/2016, Công ty Phương Bắc ký kết Thỏa thuận hợp tác số 29012016/HTLK với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện) xây dựng công trình mang tên “Mô hình phục vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về cây trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, sau đó năm 2018 đổi tên thành “Triển khai đề án tăng cường năng lực đào tạo, thực tập rèn nghề cho sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam”, dự án được triển khai tại khu 310, địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo Thoản thuận hợp tác số 29012016/HTLK, Công ty Phương Bắc (sau là An Nhiên) có trách nhiệm đầu tư xây dựng và khai thác 29 ki ốt ở lô đất thuộc cánh đồng thứ 3 của Học viện để làm nơi triển khai mô hình của dự án, Công ty phải bỏ ra toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng và hưởng lợi từ việc khai thác cho thuê các ki ốt, hàng năm phải hạch toán thu chi từ hoạt động liên kết, phân phối chênh lệch và phải trích lại cho Học Viện 464 triệu đồng/năm . Về phía Học viện chỉ đảm bảo tính pháp lý của việc thực hiện mô hình liên kết, an ninh trật tự, môi trường, kinh doanh…chịu trách nhiệm cho các hoạt động bằng thương hiệu và uy tín của mình.

Tuy nhiên, cuối năm 2016, việc xây dựng mới được phần cơ bản, Học viện đã yêu cầu Công ty An Nhiên làm thủ tục thanh toán, theo Ban cơ sở vật chất hướng dẫn, tạm thời cứ làm thủ tục như vậy để Học viện giải quyết nguồn vốn năm 2016.

Như vậy, theo thoản thuận ban đầu Công ty An Nhiên từ nhà đầu tư toàn bộ việc xây dựng cơ sở hạ tầng lại biến thành đơn vị thi công và Học viện dùng tiền ngân sách Nhà nước để chi trả cho việc xây dựng dự án.

Sau khi Công ty An Nhiên hoàn thành các hạng mục cơ bản và phụ trợ liền đề nghị Học viện quyết toán dự án nhưng không tìm được sự thống nhất giữa hai bên. Mặc dù vậy Học viện lại yêu cầu bàn giao ngay 29 ki ốt khi chưa quyết toán dứt điểm.

Theo tìm hiểu của PV, việc quyết toán dự án theo Thỏa thuận số 29012016/HTLK chưa dứt điểm, Công ty An Nhiên đã đưa ra rất nhiều đề xuất nhưng phía Học viện không trả lời, giải quyết thỏa đáng nhưng để cho dự án đi vào hoạt động, Học viện lại yêu cầu ký một thỏa thuận mới số 02012018/TTHT về việc: Triển khai đề án tăng cường năng lực đào tạo, thực tập rèn luyện nghề cho sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thỏa thuận này có thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2018 với nội dung 2 bên thống nhất sử dụng 29 ki ốt cùng các công trình tiện ích khác nhằm phục vụ dự án 310 của Học viện để làm nơi triển khai mô hình trình diễn, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Học viện, kết hợp là địa điểm để sinh viên thực hành nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Học viện.

Theo thỏa thuận này, phần đóng góp kinh phí hợp tác mà Công ty An Nhiên phải nộp cho Học viện thu từ việc khai thác 29 ki ốt là 1.508.000.000đ (mức thu 52.000.000đ/1 ki ốt trong thời hạn 5 năm đầu 2018-2023), phương thức thanh toán chia làm 2 lần mỗi năm tương đương số tiền Công ty An Nhiên đóng góp cho Học viện là 301.600.000đ/1 năm. Đáng chú ý trong điều khoản 4.2.11 nêu rõ: Nếu trường hợp thực hiện thỏa thuận hợp tác đối với các gian hàng còn chưa hết công suất như mong đợi thì bên B được quyền khai thác tối đa hiệu quả của dự án đúng pháp luật hiện hành của Nhà nước bằng các ngành nghề kinh doanh được Pháp luật, Nhà nước hiện hành cho phép.

Như vậy, phải chăng Công ty An Nhiên được phép cho thuê ki ốt không chỉ làm nơi “Triển khai mô hình trình diễn, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Học viện…” mà có thể kinh doanh ngành nghề khác mà pháp luật cho phép như nhà xưởng, dịch vụ ăn uống?

Học viện đơn phương chấm dứt thỏa thuận
Theo đơn kêu cứu của Công ty An Nhiên, dự án đi vào triển khai hoạt động ngày 24/3/2018, trong quá trình hoạt động về phía doanh nghiệp đã có nhiều văn bản đề nghị Học viện giải quyết các công việc liên quan đến dự án về xây dựng, tài chính, an ninh trật tự, các phương án tiếp theo thực hiện dự án…nhưng chưa được giải quyết thấu tình đạt lý thì ngày 5/12/2018 Học viện cho người cưỡng chế khu vực “Cây hương” giáp nghĩa trang, lực lượng bảo vệ của Học viện đã “áp chế” cán bộ, nhân viên Công ty An Nhiên và cho dựng hàng rào chắn lối ra chính diện của các ki ốt, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của 29 ki ốt trên.

Bên cạnh đó, Học viện đã liên tục cắt điện các gian hàng; tự ý họp với chủ, thành viên của các ki ốt; đe dọa tháo biển doanh nghiệp, mang tài sản đi nơi khác; tự ý thu tiền điện của từng ki ốt, làm Barie chắn trước cổng dự án 310, lắp bốt canh kiểm soát trước cổng dự án…trong khi thực tế 29 ki ốt đang hoạt động bình thường và đã ký hợp đồng thuê ki ốt với Công ty An Nhiên, điều quan trọng là giữa 2 bên chưa tìm được phương án phù hợp trong việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác.

Với những việc làm trên vô hình chung Học viện đang vi phạm về Hợp đồng kinh doanh thương mại làm ảnh hưởng đến tâm lý, tiền của cũng như môi trường kinh doanh của khu dự án 310.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo xây hàng rào chân lối ra vào của 29 kí ốt.

Một trong những ki ốt đang hoạt động hiệu quả.

Dư luận đặt câu hỏi mục đích là gì?

Để giải đáp những vấn đề thắc mắc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã làm việc với ông Nguyễn Công Tiệp, Chánh Văn phòng Học viện, người được ủy quyền ký thỏa thuận hợp tác với Công ty An Nhiên. Khi phóng viên thắc mắc cơ sở nào khiến Học viện o ép, thúc đẩy nhanh quá trình chấm dứt thỏa thuận này thì ông Tiệp cho biết: Ngày 2/11/2018, Công ty An Nhiên đã đồng ý chấm dứt hoạt động từ ngày 12/11/2018, tuy nhiên ngày 3/11/2018 bà Nguyễn Thị Ngọc Chuyên lại có văn bản hủy bỏ thỏa thuận nói trên và Học viện không chấp nhận.

Khi được hỏi đâu là nội dung văn bản thỏa thuận ngày 2/11/2018 thì ông Tiệp không thể đưa ra được vì chưa được phía Công ty An Nhiên ký, đóng dấu. Như vậy, văn bản này chưa có giá trị pháp lý.

Ông Nguyễn Công Tiệp giải thích lý do chấm dứt thỏa thuận số 02012018/TTHT là do phía Công ty An Nhiên không chịu thanh toán đúng thời hạn, nợ đọng nhiều trong khi đã thu được tiền của 29 ki ốt.

Về phía bà Chuyên nói đã thanh toán 250.000.000đ/tổng số 301.600.000đ (nghĩa là thiếu 51.600.000đ cho năm 2018) nhưng phía ông Tiệp lại nói số tiền thuê ki ốt thỏa thuận là 1.508.000.000đ/1 năm chứ không phải cho 5 năm như thỏa thuận đã ký.

Lý do Công ty An Nhiên hiểu sai số tiền dẫn đến tranh cãi kéo dài là do “Lỗi đánh máy”.
Điều này chứng tỏ, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên là có “vấn đề” khi soạn thảo, ý đồ của 2 bên và quá trình thực hiện dự án.

Để làm rõ hơn về vấn đề này Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có công văn gửi GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề nghị bố trí thời gian cho PV phỏng vấn, đồng thời có những thông tin chính xác hơn trước khi đưa ra công luận nhưng phía bà Lan vẫn im lặng.

Trong khi đó, phía Học viện lại yêu cầu Công ty An Nhiên không đưa ra công luận vì muốn đưa việc tranh chấp thỏa thuận hợp tác trên ra Tòa án kinh tế. Về phía Công ty An Nhiên, mong muốn sự việc sáng tỏ, trên tinh thần sẵn sàng chấm dứt thỏa thuận khi được nhìn nhận, đánh giá, đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp và sẵn sàng cùng nhau giải quyết tại Tòa án nếu thấy cần thiết.

Được biết, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam là Đại biểu quốc hội khoá XIV TP.Hà Nội (nhiệm kỳ 2016 -2021).

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhấn mạnh: “ Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, dù ở cương vị công tác nào cũng cần ý thức đầy đủ về quyền hạn và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri; lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri; chịu sự giám sát của cử tri; tích cực, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả…”

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết sau.

Nhóm PV – Báo MT&ĐT

Theo Môi trường & Đô thị điện tử

Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam tự ý xây bốt kiểm soát các ki ốt dự án 310