Hóc Môn-TP.HCM: Lời kêu cứu của doanh nghiệp ven sông Rạch Tra

“Biết bao con người đang lao động tại bãi tập kết vật liệu xây dựng của cơ sở chúng tôi, nếu bị ngưng lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sống của họ cũng như gia đình chúng tôi…”

Đó là lời kêu cứu của cơ sở kinh doanh của anh Phạm Văn Tuấn, (sinh năm 1974, anh là đại diện cho hộ Phạm Trần Trung, kinh doanh cát xây dựng và Hoạt động bến thuỷ nội địa tại số 1/22 ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Chính quyền làm khó “ bức tử”doanh nghiệp

Với dáng điệu thất thiểu anh Tuấn tìm đến Văn phòng Môi trường và Đô thị Việt Nam trình bày vụ việc như sau:

Vào ngày 22-4-2019, UBND xã Đông Thạnh có đến kiểm tra cơ sở kinh doanh của gia đình anh đang tập kết vật liệu cát đá xây dựng ven sông Sài Gòn, gần khu vực cầu Rạch Tra .Tiếp đó ngày 23-4, UBND xã Đông Thạnh lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai với lỗi “Tập kết cát, đá vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp” tại khu đất này.

Căn cứ vào đây, ngày 10-5, UBND huyện Hóc Môn ra Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính về việc “Hộ kinh doanh Phạm Trần Trung sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp”với mức phạt tổng cộng là 18.500.000 đồng.Đồng thời huyện buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm.

Được biết cơ sở kinh doanh của anh Phạm Văn Tuấn chỉ tập kết mua bán cát lấp, bốc dỡ vật liệu xây dựng chứ không xây cất công trình kiên cố trên đất .

Anh Tuấn buồn rầu tâm sự: “gia đình tôi đã chấp hành nộp phạt nhưng nêu đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn sống của người lao động cũng như gia đình chúng tôi. Người dân chúng tôi rất muốn chấp hành đúng quy định của pháp luật nhưng chuyển đổi mục đích kế hoạch sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nêu trên chưa có kế hoạch qui hoạch. Tương tự các bến bãi hoạt động Bến thuỷ nội địa bốc dỡ vật liệu xây dựng, bốc dỡ hàng hoá trên địa bàn Hóc Môn đang rơi vào trường hợp này. Do địa phương chưa có kế hoạch chuyển đổi nên các hộ kinh doanh, doanh nghiệp không có cơ sở để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng đất đúng pháp luật hiện hành”. Anh Tuấn chia sẻ tiếp: “Bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của tôi đã hoạt động gần 20 năm nay không gây ô nhiễm môi trường, không cản trở dòng chảy, không làm phiền hà bà con cư dân xung quanh ”. Nói đến đây anh Tuấn đưa chúng tôi xem Giấy CNĐK Hộ kinh doanh, Giấy phép hoạt động Bến thuỷ nội địa và biên bản kiểm tra chất lượng cát xây dựng, hoạt động bến thuỷ nội địa trên địa bàn huyện Hóc Môn năm 2019. Tất cả đang còn hiệu lực.

Đồng cảnh ngộ với anh Tuấn, anh Nguyễn Tấn Hưng, đại diện ủy quyền Công TY TNHH-MTV Đại Nguyên Phát Triển ( số 37/9 ấp 3, xã Đông Thạnh) kêu cứu: “ngày 14-5-2019, đoàn kiểm tra của huyện gồm đại diện Phòng QLĐT, QLTT, khu quản lý, Cảng đường thủy nội địa cũng yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp”. Trước đó, UBND huyện Hóc Môn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử phạt công ty tôi 15 triệu đồng. Hiện tại, công ty có đầy đủ giấy phép, tư cách pháp lý nhưng vẫn bị UBND xã Đông Thạnh lập biên bảnyêu cầu ngừng tập kết vật liệu”.

Xin “mở đường sống” cho doanh nghiệp

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết cơ chế về đất đai của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, đất cập mé sông tính từ mép bờ vào 30m đối với tuyến sông Rạch Tra, 50m đối với sông Sài Gòn là hành lang an toàn đường thuỷ chỉ được phép sử dụng, khai thác mang tính chất tạm thời, không được xây dựng kiên cố trên phần đất này. Khi nhà nước có yêu cầu sử dụng thì người sử dụng đất phải dời đi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chung, chủ tịch UBND xã Đông Thạnh thừa nhận: “ ven sông Rạch Tra có bốn cơ sở tập kết cát, đá, vật liệu ..hoạt động gần 20 năm ,họ đều có giấy phép và không gây ô nhiễm hoặc bị dân cư khiếu nại. Chủ trương chuyển đổi mục đích kế hoạch sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là có nhưng Huyện chưa có kế hoạch”.

Gia đình anh Tuấn tiếp xúc PV báo MT-ĐTVN gởi đơn cầu cứu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND huyện Hóc Môn đang triển khai tăng cường kiểm tra, quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.Chú trọng chất lượng sản phẩm , hàng hóa cát xây dựng.Tuy nhiên không thể dựa vào đây để làm khó doanh nghiệp buộc một số cơ sở phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp trong khi chính quyền địa phương chưa có chủ trương, kế hoạch.

AnhTuấn, anh Hưng cùng các doanh nghiệp khác mong muốn được tiếp tục kinh doanh, duy trì Bến thủy nội địa tạm thời trên phần đất của mình trong thời gian chờ được chuyển mục đích phù hợp mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp ,hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Trên địa bàn toàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng 300 bến bãi hoạt động Bến thuỷ nội địa bốc dỡ vật liệu xây dựng, bốc dỡ hàng hoá phục vụ xã hội đang rơi vào trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng không có cơ sở để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng đất đúng pháp luật hiện hành

Nguyễn Dũng – Minh Đức

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Bãi tập kết vật liệu xây dựng Phạm Văn Tuấn