Hỏa tốc đề nghị thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Sau gần 1,5 năm tạm dừng thu phí, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua đề án thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục Quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT) cho biết dự kiến ngày 8-7, Bộ GTVT sẽ có cuộc họp triển khai các công việc liên quan đến việc thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Thu phí trở lại rất cấp thiết

Trong văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng mới đây, Bộ GTVT cho biết: “Xuất phát từ tính cấp bách, nhu cầu quản lý, bộ kính đề nghị Chính phủ xem xét, thông qua đề án thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) xem xét, chấp thuận thực hiện thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí”.

Theo đó, sau khi được Ủy ban Thường vụ QH thông qua, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền sẽ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Theo Bộ GTVT, kể từ khi tạm dừng thu phí từ 28-12-2018, lưu lượng xe trên đường cao tốc này tăng đột biến, nhất là các ngày cuối tuần nên nhiều xe vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.

Hiện nay, vận tốc trung bình lưu thông trên tuyến giảm xuống còn 60-70 km/giờ, trong khi đó thiết kế vận tốc tối đa của đường này là 120 km/giờ; khi còn thu phí, vận tốc trung bình cũng đạt 100 km/giờ.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng việc tạm dừng thu phí đã làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng và khai thác tuyến cao tốc. Do vậy, nhu cầu tiếp tục thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương để tăng cường hiệu quả khai thác, tăng cường công tác quản lý trật tự an toàn giao thông trên tuyến là rất cấp thiết.

Ngoài ra, ngày 1-6, Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị đưa nội dung bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ trình QH xem xét, thông qua.

Về ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ GTVT nêu rõ: Việc trình QH xem xét, thông qua Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) phải có thời gian triển khai dài. Do vậy, khả năng triển khai sớm công tác thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương không khả thi ngay.

Dòng xe kẹt cứng kể cả ở làn khẩn cấp trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương hướng về Tiền Giang. Ảnh: HOÀNG GIANG

Càng để lâu càng lãng phí

“Hiện nay, Bộ GTVT là đơn vị được giao xây dựng phương án thu phí trở lại đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Theo thông tin của bộ thì ngày 8-7 tới đây, bộ sẽ có cuộc họp để giải quyết vấn đề này” – ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Bộ GTVT (đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM – Trung Lương), thông tin.

Theo ông Thành, đơn vị quản lý đường cao tốc vẫn đang tiến hành duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ tuyến cao tốc này để đảm bảo an toàn giao thông, dù kinh phí duy tu vẫn chưa được duyệt.

Ngoài ra, để tránh việc các xe đi vào làn đường khẩn cấp quá nhiều, Cục Quản lý đường bộ IV cũng đã phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt, đồng thời lắp thêm camera giám sát để có thể phát hiện và xử lý kịp thời những xe vi phạm.

Nêu quan điểm về việc dừng thu phí đến 1,5 năm, TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng cần sớm thu phí trở lại. Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước, việc dừng thu phí để càng lâu càng lãng phí.

“Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta dừng thu phí đến 1,5 năm, trong khi nếu không thu phí là thất thoát tài sản. Chúng ta phải thu phí để còn thu hồi vốn, duy tu, bảo dưỡng…” – ông Hùng nói.

Cảnh báo nguy cơ đường cao tốc xuống cấp

Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 62 km, được xem là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực Tây Nam bộ.

Năm 2012, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng trước 9.880 tỉ đồng. Đến ngày cuối năm 2018, cao tốc dừng thu phí do Công ty Yên Khánh hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí. Tiếp đó, Tổng cục Đường bộ tiếp nhận cao tốc và giao lại cho Cục Quản lý đường bộ IV.

Ngày 5-8-2019, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đã đi khảo sát thực tế cao tốc này. Sau đó, hiệp hội có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cảnh báo những nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường cao tốc khi dừng thu phí.

Tới tháng 3-2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ GTVT khẩn trương lập và triển khai phương án thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương để khắc phục tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.

Hiện nay, vấn đề lo ngại nhất đối với tài xế khi lưu thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương là giao thông hỗn loạn, gây mất an toàn giao thông. Cụ thể, đó là tình trạng xe chạy vận tốc không đều nhau nhưng chạy chung một làn; tình trạng xe bẻ lái bất ngờ sang làn khác và nhất là nhiều xe container, xe khách bất chấp lấn cả làn dừng khẩn cấp để chạy cho nhanh. Vì vậy, tôi nghĩ việc thu phí trở lại đối với cao tốc này là điều cần thiết và nên làm ngay.

Anh TRẦN TRUNG KIÊNtài xế xe tải ở Tiền Giang

Huy Vũ – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã tạm ngưng thu phí 1,5 năm nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/do-thi/giao-thong/hoa-toc-de-nghi-thu-phi-tro-lai-cao-toc-tphcm-trung-luong-922143.html