Bất chấp quy hoạch, quanh hồ Tây nham nhở các công trình ‘thò ra tụt vào’, cả những đại dự án được cho phép để ‘tạo điểm nhấn’.
Tại phường Quảng An, hàng loạt các công trình giáp mặt hồ xây dựng 4 – 6 tầng, đang được rầm rộ thi công hoặc đã hoàn thiện. Tại các địa chỉ 96, 60 phố Từ Hoa, công nhân đang hối hả xây thêm tầng thứ 6. Phía bên đường Quảng Bá, dãy nhà từ số 1 đến 3, 5 Quảng Bá vừa được “lên tầng” vượt trội so với các công trình xung quanh và đã có người vào ở. Phía bên trong, số nhà 18 ngõ 76 Tô Ngọc Vân đang được xây dựng ngày đêm, nay đã lên tầng thứ 7.
Người dân tại đây phản ánh, công trình này nằm trong ô 20/CC2 theo quy hoạch A6 thuộc phạm vi 50m tính từ mép hồ, không được xây dựng công trình quá 3 tầng, chiều cao không quá 12m. Thế nhưng không hiểu sao, công trình vẫn xây dựng thoải mái ngày đêm. “Sát bên là ao Thùy Dương, vốn được quy hoạch cảnh quan nhưng nay cũng bị người ta san lấp, đổ chất thải xây dựng gần hết lòng hồ”, một người dân ngao ngán nói.
Tại 36 phố Yên Hoa, 196 Vũ Miên (phường Yên Phụ), các công trình nằm sát mặt hồ Tây, có chiều cao ngất ngưởng, bất chấp quy hoạch.
Không chỉ các công trình đơn lẻ, nhiều dự án cao tầng cũng được UBND thành phố Hà Nội đề xuất tạo “điểm nhấn” cho hồ Tây. Tiêu biểu là Dự án Khách sạn, Trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, căn hộ cho thuê số 58 Tây Hồ (phường Quảng An). Dự án có 2 tòa khách sạn và 6 tòa thương mại căn hộ đang xây dựng làm cho hồ Tây như bị đè lên khối bê tông khổng lồ. Bên cạnh đó, dù có chức năng du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, nhưng dự án này đang được rao bán như một khu chung cư với quy mô 2.000 căn hộ để ở.
Lập lờ với vi phạm
Cán bộ tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Yên Phụ thừa nhận các công trình xây dựng mà báo chí phản ánh có sai phạm so với giấy phép xây dựng, quy hoạch chung nhưng đa số chỉ là “sửa chữa”?! Về nội dung phản ánh tại phường Quảng An, ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An nhận thông tin nhưng liên tục trì hoãn cung cấp nội dung liên quan cho báo chí.
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, quy hoạch A6 là cơ sở pháp lý để cụ thể hóa bằng các quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận. Khi quy hoạch ban hành năm 2014, nhiều tuyến đường xương cá đã được mở theo quy hoạch, các dự án hạ tầng được đầu tư đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho quận. Hiện tại, quận đã thực hiện được 5 quy hoạch chi tiết để tiếp tục triển khai đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình công cộng…
Đối với các công trình riêng lẻ, quận cấp giấy phép còn việc quản lý thuộc trách nhiệm của chính quyền các phường. Đối với các dự án đầu tư quy mô như dự án tại 58 Tây Hồ do chủ đầu tư lập dự án riêng, đây là dự án cấp 1 do Thủ tướng quyết định. Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng cho công trình trên, còn chính quyền địa phương cũng chỉ đóng vai trò tham mưu.
Được biết, để phục vụ dự án tại bán đảo Quảng An, UBND thành phố Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực thuộc các phường Quảng An và Tứ Liên, quận Tây Hồ.
Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học Xây dựng) TS.KTS Trần Minh Tùng cho rằng, việc nhồi tòa nhà 30 – 40 tầng vào khu vực hồ Tây không phải là lạ. Bởi chúng ta đang làm quy hoạch theo chỉ tiêu, dẫn đến cào bằng mọi khu vực. Ví dụ các huyện ngoại thành cũng có chỉ tiêu như ở khu phố trung tâm. Quy hoạch cũng không chấp nhận câu chuyện đặt nhà cao tầng vào nội đô, vì thế lại xảy ra việc xây nhà cao tầng sai quy hoạch, hoặc phải cấp phép “điểm nhấn”. “Quy hoạch hiện tại mang nặng tính lý thuyết. Quy hoạch cần phải thúc đẩy, tạo cơ chế mới, nếu không, thay vì tạo thuận lợi, quy hoạch lại đang làm khó sự phát triển, khiến các công trình sai quy hoạch mọc lên, sai luật”, KTS Tùng nhận định.
KTS Nguyễn Trần Anh Tuấn, Cty FD Architect cho biết, hồ Tây là điểm đến tâm linh, gắn với các lễ hội truyền thống, đến nay vẫn còn nhiều di tích xung quanh Hồ Tây. Quy hoạch A6 cũng hướng đến đưa hồ Tây thành khu vực tạo cảnh quan, phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, không gian xanh. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây hầu hết các công trình quanh hồ xây mới hay cải tạo đều theo hướng nâng tầng, không đáp ứng được tiêu chuẩn quy hoạch A6 đã đề ra. Các công trình chắn ngang không gian hồ khiến lá phổi xanh của thành phố trở nên ngột ngạt, hồ Tây như bị biến thành ao tù.
Từ năm 2014, Hà Nội đã có quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) trong đó xác định hồ Tây làm trung tâm để phát triển không gian đô thị. Không gian quy hoạch thấp dần về phía hồ Tây, lấy hồ làm điểm nhấn kiến trúc.
Theo Tiền Phong
Ảnh: Các công trình vượt chiều cao quy hoạch phá vỡ cảnh quan hồ Tây.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://tienphong.vn/ho-tay-dang-bien-thanh-ao-nha-post1323169.tpo