Hình thái đa thiên tai tại miền Trung: ‘Cân não’ vận hành các hồ chứa xả lũ

Một đợt mưa lớn khả năng sẽ đổ về rốn lũ miền Trung trong những ngày tới, thậm chí ở khu vực Hà Tĩnh-Quảng Bình có nơi mưa cục bộ trên 800mm; Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có nơi trên 500 mm. Mưa dồn dập trong khi nhiều hồ chứa cơ bản đã đầy, đất nhão, nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao. Đặc biệt, với các hồ chứa, bài toán về xả lũ để đảm bảo an toàn cho hạ du đang ‘cân não’ các nhà quản lý.

Ðợt mưa lớn dồn về rốn lũ

Chiều 15/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 10 ngày tới sẽ xuất hiện hai dạng hình thái thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến nước ta.

Theo đó, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sáng sớm 15/10 đã di chuyển vào Biển Đông, và hướng về khu vực miền Trung và có khả năng mạnh lên thành bão. Với hình thái này, khu vực giữa và nam Biển Đông gồm cả vùng huyện đảo Trường Sa sẽ có gió mạnh cấp 6-7, có lúc cấp 8, gió giật rất mạnh, có mưa rào và dông mạnh, gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.

Ngoài ATNĐ nói trên, trong những ngày tới, nước ta sẽ có không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung bộ và nhiễu động gió đông trên cao, đồng thời gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh.

“Đây là tổ hợp các hình thái thiên tai điển hình thường gây mưa lớn diện rộng ở khu vực miền Trung”, ông Khiêm phân tích và cảnh báo, các tỉnh miền Trung vừa xảy ra đợt mưa rất lớn, các hồ đã tích thêm nước; đất đã bị nhão nên nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực này. Cùng với đó là tình trạng ngập úng diện rộng có khả năng xuất hiện.

“Chúng tôi dự báo từ ngày 16-21/10 ở Trung bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ ngày 16-21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500-800mm, cục bộ có nơi trên 800mm. Các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế phổ biến 300-500mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ 200-300mm, có nơi trên 350mm”, ông Khiêm nói.

Riêng tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến nhiều người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm Kiểm lâm 67, hôm nay (16/10) bắt đầu có mưa lớn trở lại. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa rải rác cả ngày với tổng lượng mưa 40-80mm. Từ đêm nay, mưa gia tăng với cường độ mưa to đến rất to. Dự báo trong đêm nay và ngày mai, mưa kéo dài liên tục ở huyện Phong Điền với tổng lượng mưa 70-150mm. Những ngày sau đó, dự báo còn có mưa kéo dài tại nơi này.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng nhận định, sau ngày 21/10, các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ tiếp tục có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Ở phía Bắc, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, từ đêm 15 sáng 16/10, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

“Cân não” tính toán xả lũ

Tại cuộc họp ứng phó với mưa lũ và ATNĐ ngày 15/10, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai lưu ý vấn đề vận hành xả lũ hồ chứa phía Bắc trong những ngày tới, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà và Hòa Bình.

Theo ông Hoài, trong 5 ngày tới, lượng nước về hồ Hồ Bình đạt 8.500 m3/giây; Sơn La khoảng 1.800 m3/giây; Tuyên Quang: 1.000 m3/giây; Thác Bà: 1.400 m3/giây.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, gần nửa tháng nay, cả nước xuất hiện nhiều hình thái bất lợi về thiên tai, từ bão số 5, ATNĐ, bão số 6, rồi số 7.

“Chưa bao giờ, trong thời gian rất ngắn lại xuất hiện cùng lúc nhiều hình thái thời tiết dị thường. Phạm vi gây hại rơi vào vùng Trung bộ, khu vực rất dễ tổn thương, sông dày đặc, ngắn, độ dốc cao, lưu vực dốc nên thiệt hại rất nặng nề. Chưa kể, ATNĐ sắp tới có thể hình thành bão số 8. Do đó, cần có giải pháp sẵn sàng ứng phó”, ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng Cường, từ ngày 6 đến 12/10, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, nhiều điểm xảy mưa lớn vượt mốc lịch sử, có điểm trên 3.000 mm, nhiều nơi trên 2.000 mm. Mưa lũ lớn khiến lúc cao điểm nhất có 212 xã, với trên 135 nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hại.

“Thiệt hại lớn nhất hiện nay là vụ thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên-Huế. Lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn tích cực tìm kiếm cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ bị mất tích”, ông Cương nói.

Trước tình hình mưa lũ sắp tới, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, trong ngày 16/10 tổ chức cho thoát nước nhanh trước khi đón đợt mưa lũ mới. Đặc biệt ở khu vực huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) trong lúc đang mưa ít cần tập trung tìm kiếm, cứu nạn tại khu vực Rào Trăng 3.

“Bài học lũ chồng lũ năm 2016 vẫn còn đó. Ở Bình Định có tới 11/11 huyện, thành phố ngập hết không còn chỗ mà đứng”, ông Cường nói và lưu ý “các địa phương cần sẵn sàng vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Bởi, xảy ra vụ thủy điện Rào Trăng 3 là một bài học vô cùng đắt giá, cho thấy “nước xa không cứu được lửa gần”.

Ông Cường cảnh báo, cần vận hành hồ chứa một cách hợp lý, nhằm hạn chế thiệt hại. “Vừa rồi, rất may có hồ thủy lợi Tả Trạch, cắt 3 lũ hợp lý trong 9 ngày, giảm thiểu thiệt hại cho Thừa Thiên-Huế, trong khi đó các thủy điện như Hương Điền, Bình Điền không có dung tích cắt lũ”, ông Cường nói.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

“Tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến nhiều người mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm Kiểm lâm 67, hôm nay (16/10) bắt đầu có mưa lớn trở lại. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa rải rác cả ngày với tổng lượng mưa 40-80mm”.

Nam Khánh – Nguyễn Hoài – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tại Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Văn Chương

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hinh-thai-da-thien-tai-tai-mien-trung-can-nao-van-hanh-cac-ho-chua-xa-lu-1736025.tpo