Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam: Những sự kiện nổi bật năm 2022

Năm 2022, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, kết nối hội viên, góp phần vào sự phát triển chung của ngành môi trường. Dưới đây là những sự kiện nổi bật năm 2022 của Hiệp hội.

Tập hợp các kiến nghị về các quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường

Với sự chỉ đạo của Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, sáng 3/6/2022, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm với chủ đề: “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

tm-img-alt

 

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã trao đổi và đưa ra các kiến nghị về các quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 và Nghị định 08 liên quan chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam; kiến nghị từ cơ sở trực tiếp thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Báo cáo tham luận của Công ty Môi trường đô thị các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều vấn đề xung quanh đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Toạ đàm là cơ hội để Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam dùng làm căn cứ tập hợp ý kiến của các đơn vị từ đó văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật, đồng thời là tài liệu cần thiết để đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là các chuyên gia Bộ Tài nguyên và Môi trường dùng làm căn cứ xây dựng hoàn chỉnh các quy định về chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần Luật BVMT, Nghị định 08. 

Hội MTĐT&KCN khu vực miền Trung – Tây Nguyên hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022

tm-img-alt

 

Ngày 17/6/2022 tại Đà Nẵng, Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022, tổng kết hoạt động Hội giai đoạn 2020 – 2022 và thống nhất phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022 – 2023.

Trong hoàn cảnh công tác môi trường gặp nhiều khó khăn, Hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, giữa các đơn vị hội viên, tạo quan hệ, liên kết hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo ngành nghề cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong những thời điểm khó khăn khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

16/16 đơn vị trực thuộc Hội khu vực là doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành công tác cổ phần hoá. Sau khi chuyển đổi, hầu hết các đơn vị đều có sự phát triển tốt. Nhiều đơn vị đã thực hiện cơ giới hoá, số hoá, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành.

Thực hiện quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong thời gian qua, trong khu vực đã có nhiều đề án phân loại rác được phê duyệt và triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương. Công tác xử lý rác thải hiện nay tại khu vực có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến như: chế phẩm sinh học, công nghệ ủ rác làm phân compost, đốt rác phát điện, sản xuất phân bón lỏng Biomas…

Từ những kết quả hoạt động và những khó khăn, hạn chế, tại Hội nghị, đại diện Hội khu vực đã đưa ra một số kiến nghị Hiệp Hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đề xuất các Bộ ngành có liên quan và chính quyền các địa phương.

Hội thảo – Triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam

tm-img-alt

 

Từ ngày 25 đến ngày 27/8/2022, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo – Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam.

Sự kiện do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, Công ty Informa Markest phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ, giải pháp môi trường phù hợp điều kiện thực tế tại các đô thị Việt Nam, góp phần giảm rác thải, phát thải theo hướng xanh- sạch- đẹp. Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức.

Sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự với hơn 2000 khách mời là đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan trung ương; các tổ chức quốc tế, các tổ chức và đối tác; Lãnh đạo UBND thành phố, các Sở, ban ngành, tổ chức, đơn vị với 2 phiên hội thảo, hơn 20 diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Quy mô Triển lãm gồm trên 35 gian hàng với hơn 1.000m2 trưng bày các thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiện đại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có Triển lãm tranh thiếu nhi về chủ đề môi trường; Ngày hội thu mua rác tái chế và tặng quà, Kết nối cung cầu, trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp; tham quan Trạm Trung chuyển rác…

Hội MTĐT&KCN khu vực miền Nam hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022

tm-img-alt

 

Ngày 30/9/2022, tại thành phố Đà Lạt, Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022 tổng kết tình hình hoạt động (từ sau Hội nghị lần XV tại Cần Thơ tháng 4/2021) và phương hướng nhiệm vụ của Hội trong thời gian tiếp theo.

Trong năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nhiều đơn vị hội viên. Tuy vậy, Hội miền Nam đã có những hành động thiết thực cùng chung tay đóng góp, vận động, tài trợ cho các đơn vị, cá nhân trong ngành vượt qua khó khăn. Các Chi hội đã chủ động trong việc thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở một số tỉnh thành phố thuộc khu vực miền Nam như: đầu tư xe quét hút, xe tưới sửa đường, xe hút bùn….phát triển và khai thác hết công suất các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, các bãi chôn lấp, xử lý rác và tái chế chất thải theo công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng lò đốt rác công nghiệp độc hại, rác y tế… với công nghệ hiện đại nhất hiện nay đã góp phần cho hoạt động của Hội miền Nam ngày càng hiệu quả.

Từ những kết quả đạt được, thời gian tới Hội miền Nam đưa ra nhiều phương hướng hoạt động thiết thực. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường để thu hút các nguồn lực, tiềm năng trong xã hội nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao. Mở rộng mối quan hệ với các Chi hội khu vực, tiếp cận các nguồn thông tin và tranh thủ sự chỉ đạo của Hiệp hội để nắm bắt tình hình, tìm cơ hội gặp gỡ và hợp tác với các tổ chức nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực môi trường đô thị và khu công nghiệp. Tiếp tục liên kết các hội viên trong khu vực để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn đặc thù về cơ chế chính sách, kêu gọi đầu tư từ ngân sách, từ các thành phần kinh tế khác cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại…

Hội thảo “Phân loại rác tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải đô thị – cơ hội và thách thức”

tm-img-alt

 

Trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo quốc tế về ngành nước và môi trường Vietwater 2022, ngày 9/11/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA) phối hợp cùng Công ty Infoma Markets Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải đô thị – Cơ hội và thách thức” thu hút hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác phân loại rác tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đề xuất giải pháp phù hợp. Tại hội thảo, các công ty môi trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia đã chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hữu ích trong triển khai công tác phân loại rác tại nguồn và các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị hiệu quả.

Việc Phân loại rác tại nguồn và tìm kiếm giải pháp tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, kinh tế – xã hội là điều hết sức cấp thiết hiện nay. Nếu coi rác là tài nguyên thì việc Phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, là “tối ưu hóa” nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.  

Hội MTĐT&KCN khu vực miền Bắc hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022

tm-img-alt

 

Ngày 26/11/2022, tại Thành phố Hải Phòng, Hội Môi trường đô thị và KCN khu vực miền Bắc đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng năm 2022 tổng kết hoạt động của Hội giai đoạn 2018-2022 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022-2023.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng thảo luận và đóng góp ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn như: thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường và công tác phân loại rác tại nguồn; triển khai thực hiện phân loại rác theo Luật bảo vệ môi trường năm 2022 tại thành phố Hải Phòng; điều chỉnh bổ sung một số công tác, định mức dự toán và hướng dẫn xác định chi phí đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường; mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp; thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe 3 bánh…

Thông qua hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đưa ra những kiến nghị với Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam đề xuất với các Bộ ngành có liên quan và chính quyền các địa phương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đô thị, cách thu gom rác, thu tiền dịch vụ vệ sinh theo khối lượng/thể tích chất thải rắn (Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường) để các địa phương xây dựng, ban hành đơn giá khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 2 năm.

Đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu việc cấp phép lưu hành cho xe điện 3 bánh thu gom rác thải sinh hoạt làm cơ sở cho các đơn vị triển khai cơ giới hóa công tác thu gom chất thải sinh hoạt. Cơ chế đấu thầu thực hiện từ 3 – 5 năm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao năng lực hoạt động. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến cơ chế quản lý, các giải pháp kỹ thuật về lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Đề nghị Hiệp hội tiếp tục tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng và các phương tiện thông tin đại chúng hỗ trợ, phối hợp thực hiện tốt các chương trình đã đề ra, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực để tôn vinh người lao động có thành tích đóng góp cho sự nghiệp môi trường; hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.

Lâm Hà

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)