Phát quang sinh học là hiện tượng phát sáng của những loài sinh vật siêu nhỏ khi chúng bị tung lên bởi tác động va chạm của những con sóng, để làm “giật mình” hay đánh lạc hướng các loài cá hay loài vật săn mồi khác.
Khi màn đêm buông xuống, tại một số bãi biển trên thế giới, các đợt sóng bỗng phát ra ánh sáng xanh kỳ lạ.
Những chấm màu neon ấy tuy nhỏ bé nhưng lại tạo cảm giác như mặt biển đang phản chiếu cả bầu trời đêm. Cảnh tượng hết sức kì thú và nên thơ.
Ảnh hưởng của hiện tượng này có thể khác nhau tùy thuộc vào thời gian trong năm và thời tiết, do đó chúng ta không thể biết được khi nào chúng sẽ xuất hiện.
Sau đây là một số địa điểm mà nhiều khả năng bạn có thể chứng kiến hiện tượng phát sáng trên bãi biển.
Vịnh Bioluminescent – Puerto Rico
Vịnh Muỗi trên đảo Vieques có biệt danh là “Bioluminescent Bay” (thường được gọi là Vịnh Sinh học) vì có những sinh vật phù du soi sáng mặt nước. Những sinh vật này đã khiến cho bờ biển phát sáng trong bóng đêm và thu hút nhiều khách du lịch.
La Parguera – vùng nước phát quang sinh học của Puerto Rico. Tuy nhiên, một số vùng nước bị hạn chế việc bơi lội vì các hóa chất từ kem chống nắng và thuốc chống côn trùng có thể gây nguy hiểm đến những sinh vật phát quang sinh học.
Bờ biển San Diego (Mỹ)
Hiện tượng phát quang sinh học này cũng xảy ra ở thành phố San Diego, Mỹ. Hiện tượng đã xảy ra khi hàng triệu động vật thủy sinh tạo thành một nhóm tảo lớn và làm đổi màu cả các vùng nước lân cận.
Bờ biển San Diego cũng xuất hiện “thuỷ triều đỏ” mỗi vài năm một lần. Những loại tảo biển tạo cho nước một màu đỏ vào ban ngày và ánh sáng màu xanh tươi sáng vào ban đêm.
Mặc dù một số loại tảo phát sáng này có thể gây hại, nhưng các loài sinh vật phát quang phổ biến ở San Diego, như “Lingulodinium polyedrum” thì được cho là không độc hại.
Bãi biển Maldives
Du khách đến quần đảo Ấn Độ Dương này có thể sẽ chứng kiến hiện tượng bãi biển phát sáng vào khoảng tháng 7 tới tháng 2 năm sau. Hiện tượng phát quang sinh học này có thể xuất hiện trong 26 hòn đảo san hô của quốc gia này. Nhưng nhiều người cho rằng nơi hiện tượng này xảy ra rõ nhất là nhóm đảo Mudhdhoo, Vaadhoo và Rangali.
Bờ biển ở Maldives cũng có thời điểm xảy ra hiện tượng tương tự nhờ các sinh vật phù du, trong đó có loài giáp xác ostracod. Đồng thời, hiện tượng này còn do sự xuất hiện của tảo biển đỏ. Vào ban ngày, chúng nở hoa rầm rộ, gây ra thủy triều đỏ nhưng đến đêm, chúng lại phát ra ánh sáng neon màu xanh tuyệt đẹp.
Bờ biển Navarre, Florida (Mỹ)
Những tháng mùa hè là thời điểm thích hợp để chèo thuyền Kayak tại Florida, đặc biệt là khu vực Indian River và Mosquito Lagoon. Ở đó, khi các loài sinh vật phù du xuất hiện đúng thời điểm, mặt nước sẽ phát sáng khi các loài cá di chuyển qua. Theo trang web du lịch Florida, hiệu ứng này làm cho “cá trông giống như sao chổi màu xanh.”
Vịnh Toyama (Nhật Bản)
Đây là trường hợp có một chút khác biệt so với phần còn lại. Ở các địa danh khác, mặt nước phát sáng là do tảo có trong nước. Còn ánh sáng tại vịnh Toyama không xuất phát từ thực vật phù du mà từ một sinh vật phát quang, gọi là mực đom đóm.
Hàng năm từ tháng Ba đến tháng Sáu, vịnh tràn ngập hàng triệu con mực dài khoảng 10 cm, trồi lên từ sâu thẳm của đại dương để sinh sản. Khi chúng xuất hiện ở các vùng biển, cả ngư dân và các hoạt động du lịch mùa xuân đều bắt đầu diễn ra nhộn nhịp.
Vịnh biển Mosquito
Một vịnh biển khác nằm trên đảo Vieques, từng được kỷ lục Guiness ca ngợi là vịnh phát quang sinh học sáng nhất thế giới – vịnh Mosquito. Làn nước trong xanh rực rỡ ở nơi đây đã tạo nên một màn trình diễn vô cùng ấn tượng./.
A Hạ (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet