Hiện tượng lốc xoáy nhiệt đới giảm do biến đổi khí hậu

Theo Daily Mail đưa tin, các nhà nghiên cứ tại Đại học Melbourne (Australia) phát hiện rằng biến đổi khí hậu đã làm số lượng bão, lốc hàng năm đã giảm khoảng 13% trong thế kỷ 20, so với giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1900.

Phần lớn trong số 7 lưu vực xoáy thuận nhiệt đới trải khắp hành tinh, hiện tượng suy giảm về tần suất đã tăng nhanh kể từ thập niên 1950, chủ yếu là do sự suy yếu của hoàn lưu khí quyển nhiệt đới. Điều này cho thấy khả năng biến đổi khí hậu đã làm giảm số lượng các xoáy thuận nhiệt đới. Ngoại lệ duy nhất cho xu hướng này là lưu vực Bắc Đại Tây Dương, nơi số lượng xoáy thuận nhiệt đới đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, số lượng các cơn bão hằng năm vẫn thấp hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Do dữ liệu lịch sử về tần suất các cơn bão, lốc không đầy đủ, đặc biệt là trước năm 1950, nên các chuyên gia đã phải sử dụng kết hợp những hồ sơ trong quá khứ và phương pháp mô hình hóa. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Melbourne lưu ý tần suất chỉ là một trong nhiều yếu tố gây ra những nguy hiểm của xoáy thuận nhiệt đới. Và nghiên cứu của họ không bao gồm thay đổi về cường độ hoặc vị trí. 

Xoáy thuận nhiệt đới chỉ hình thành trên các vùng biển nằm ở vĩ độ thấp. Dạng bão, lốc này xảy ra khi nhiệt độ mặt biển từ 27 độ C trở lên và hội tụ gió cấp thấp khiến không khí bốc lên và hình thành các đám mây bão.

Xoáy thuận nhiệt đới là các hệ thống bão (storm system) quay nhanh đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Phụ thuộc vào vị trí và cường độ, xoáy thuận nhiệt đới được đề cập đến bằng các tên gọi khác nhau như hurricane hay typhoon (tạm dịch: bão cuồng phong), bão nhiệt đới (tropical storm), bão xoáy (cyclonic storm), áp thấp nhiệt đới (tropical depression), hay đơn giản là xoáy thuận (cyclone).

Xoáy thuận nhiệt đới thường hình thành trên đại dương hay những vùng biển lớn có nhiệt độ nước tương đối ấm. Chúng thu thập năng lượng thông qua sự bay hơi của nước từ bề mặt đại dương, nguồn năng lượng này khác so với xoáy thuận ngoại nhiệt đới, những hệ thống lấy nhiên liệu chủ yếu từ sự tương phản nhiệt độ theo chiều ngang (horizontal temperature contrasts). Những cơn gió xoáy mạnh của xoáy thuận nhiệt đới là kết quả của sự bảo toàn momen động lượng truyền đạt bởi sự tự quay của Trái Đất khi những dòng khí thổi vào bên trong hướng tới trục quay. Do vậy, chúng hiếm khi hình thành trong phạm vi từ vĩ độ 5°B đến 5°N hai bên xích đạo. Xoáy thuận nhiệt đới thường có đường kính trong khoảng từ 100 đến 4000 km.

Hải Thanh (T/h)

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN