Hiện thực hóa cao tốc nối thông từ Lạng Sơn tới Cà Mau

Trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ưu tiên nguồn vốn khoảng 188.400 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện 1.559 km cao tốc, để nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau; đồng thời, đề xuất xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn, với chiều dài khoảng 1.136 km.

Ưu tiên các dự án nào?

Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cả nước trong giai đoạn này khoảng 759.567 tỷ đồng gồm: 392.212 tỷ đồng vốn trong nước, 69.819 tỷ đồng vốn nước ngoài và 297.536 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 được Bộ GTVT sắp xếp theo thứ tự: Các khoản trả nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách (30.278 tỷ đồng); đầu tư 1.559 km để nối thông toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau (188.400 tỷ đồng); hoàn thành các dự án chuyển tiếp (64.708 tỷ đồng); hoàn thiện quy hoạch ngành quốc gia và chuẩn bị đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án đột phá kỳ trung hạn tiếp theo (1.000 tỷ đồng); các dự án thuộc các khối ngành khác ngoài GTVT (1.000 tỷ đồng); khởi công mới các dự án quan trọng, điểm nghẽn (474.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất ưu tiên đầu tư nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau (thêm 1.559 km cao tốc) và một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn (khoảng 1.136 km) để đảm bảo tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.858 km đường bộ cao tốc.

Theo rà soát đến nay, đối với cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, ngoài 777 km cao tốc đang triển khai, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến tiếp tục triển khai, hoàn thành khoảng 782 km, gồm 10 dự án thành phần còn lại trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (dài 647 km) các đoạn từ Bãi Vọt – Cam Lộ và Quảng Ngãi – Nha Trang và cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (dài 135 km).

Ngay đầu tháng 1/2021, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp), dài 23 km, với tổng mức đầu tư 4.827 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách (trong đó vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 932 tỷ đồng, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 3.895 tỷ đồng). Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long quản lý, được Bộ GTVT xác định là dự án đặc biệt quan trọng góp phần hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau và là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long được Bộ GTVT giao chuẩn bị đầu tư 11 dự án giai đoạn trung hạn 2021-2025, gồm có 5 dự án nhóm A và 6 dự án nhóm B. Trong đó, 5 dự án nhóm A đều là các dự án cao tốc quy mô lớn: Đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi (dài 34 km, tổng mức đầu tư 6.692 tỷ đồng), Hàm Nghi-Vũng Áng (dài 54 km, tổng mức đầu tư 8.091 tỷ đồng) và 3 dự án cao tốc dài hơn 200 km, tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng (Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương). 6 dự án nhóm B cải tạo, nâng cấp: QL14D đoạn Km10-Km37 và Km56-Km74; QL29 đoạn qua tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk; QL53 đoạn Long Hồ-Ba Si; QL6 đoạn Tuần Giáo-Mường Lay; QL217 đoạn QL1A đến đường Hồ Chí Minh.

Hai Ban Quản lý dự án 2, 6 được Bộ GTVT giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc: Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, tổng mức đầu tư 16.461 tỷ đồng; Hoài Nhơn-Quy Nhơn, tổng mức đầu tư 12.649 tỷ đồng; cao tốc Hà Giang nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tổng mức đầu tư 6.692 tỷ đồng và 2 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 đoạn Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng…

Huy động vốn như thế nào?

Đầu tư cho hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi một nguồn lực tài chính, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng hạn chế và vốn đầu tư công không thể dàn trải. Do vậy, việc huy động đủ nguồn vốn cho các dự án ưu tiên nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau là vấn đề cấp bách.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trước giai đoạn 2021-2025, việc thu hút nguồn lực đầu tư từ hợp tác công tư (PPP) có nhiều hạn chế, vì liên quan tới cơ chế, chính sách. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa ban hành. Khi chưa có khung khổ pháp luật ở mức cao nhất thì các nhà đầu tư e ngại. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư để có thể nhanh chóng triển khai trong giai đoạn tới.

Việc Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được xem là khung pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Những cơ chế mới trong Luật Đầu tư như: Cho phép xác định cụ thể khung mức phí dịch vụ (gồm mức phí khởi điểm và mức phí cho từng giai đoạn); cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; mức vốn Nhà nước tham gia tối đa 50%; cho phép doanh nghiệp dự án chủ động huy động vốn để triển khai dự án (ngoài kênh thu hút vốn ngân hàng như trước đây, Luật Đầu tư cho phép doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn đầu tư)… là các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư cũng như huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc – Nam.

“Với trách nhiệm là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án thực sự hiệu quả tài chính; đồng thời, quán triệt việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch, bảo đảm lựa nhà đầu tư được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án. Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về huy động tín dụng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn của nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ GTVT cũng đề xuất đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối tới các trung tâm kinh tế lớn gồm: Vân Đồn-Móng Cái, Chợ Mới-Bắc Kạn, TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Chơn Thành-Đức Hòa, Đức Hòa-Mỹ An, Mỹ An-Cao Lãnh, An Hữu-Cao Lãnh, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Bình Chuẩn-QL22-Bến Lức, Tân Vạn-Nhơn Trạch (2A, 2B), TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/kinh-te/hien-thuc-hoa-cao-toc-noi-thong-tu-lang-son-toi-ca-mau-20210202095734639.htm