Hệ quả từ việc biến đổi khí hậu toàn cầu

Biến đổi khí hậu đang gia tăng, tác động đến kinh tế xã hội ngày càng nghiêm trọng và mức khí nhà kỷ lục đang đẩy nhiệt độ toàn cầu lên đến mức đáng lo ngại. Nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn từ hệ quả của việc biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo của WMO nhận được sự đóng góp từ phía các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, một loạt các chuyên gia và nhà khoa học, các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc. Báo cáo mô tả các rủi ro liên quan đến khí hậu và tác động của chúng đối với sức khỏe và điều kiện sống của con người, các phong trào di cư và dịch chuyển, an ninh lương thực, môi trường, và hệ sinh thái trên cạn và trên biển. Đồng thời, báo cáo cũng liệt kê các sự kiện thời tiết cực đoan xảy ra trên thế giới.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh tình trạng mực nước biển dâng cao kỷ lục và nhiệt độ cao bất thường trong 4 năm qua trên bề mặt của đất liền và đại dương. Xu hướng ấm lên toàn cầu đã không dừng lại kể từ đầu thế kỷ này và sẽ tiếp tục diễn ra.

Biến đổi khí hậu sẽ trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến người dân phải di dời. Vào năm 2008, ít nhất 20 triệu người đã phải di dời do thiên tai như hạn hán, nước biển dâng – một trong những hệ quả của việc biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật phát triển. Theo đó, muỗi mang bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn, trong một khu vực rộng lớn hơn.

Điều này cũng sẽ xảy ra trên quy mô toàn cầu: tăng nhiệt, lượng mưa, độ ẩm… có thể cho phép côn trùng nhiệt đới và cận nhiệt đới di chuyển từ các vùng có dịch bệnh truyền nhễm tới những nơi khác.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu Mỹ, nhiệt độ tăng lên một độ C, đồng nghĩa với việc diện tích cháy rừng phía Tây sẽ tăng theo hệ số 2 – 4. Cháy lớn sẽ xảy ra nhiều hơn ở vùng phía Bắc Great Plain (Mỹ), dãy núi Rocky…; thời gian cháy rừng có thể kéo dài tới vài tháng.

Xét trên quy mô toàn cầu, nhiệt độ tăng cao trong bảy tháng qua đã khiến năm 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay. Trong mùa hè này, WMO đã đưa ra hai khuyến cáo về tình trạng hạn hán và nhiệt độ cao bất thường tại châu Âu. Hiện tượng nắng nóng đỉnh điểm cũng đang diễn ra tại Nhật Bản với nền nhiệt độ kỷ lục gần 40oC. Quốc gia Ðông Á này còn phải hứng chịu tình trạng lũ lụt và lở đất tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.

Tình trạng biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa gây nên những thảm họa thiên nhiên vô cùng lớn. Vì tương lai, ngay lúc này, tất cả các nước cần chung tay góp sức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Nhấn mạnh những tác động cực đoan về kinh tế xã hội của hiện tượng biến đổi khí hậu tới các quốc gia trên thế giới, bà María Fernanda Espinosa phát biểu nêu rõ: “Là Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi đặc biệt quan tâm đến việc nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, cũng như cần xem xét hậu quả đầy đủ của biến đổi khí hậu”. “Báo cáo rất kịp thời này là một đóng góp có giá trị cho những nỗ lực của chúng ta nhằm khiến cộng đồng quốc tế quan tâm chú ý tới vấn đề này” – bà nói thêm.

Tác động của khí hậu lên năng suất cây trồng sẽ làm gia tăng số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng: khoảng 11 triệu trẻ em ở châu Á, 10 triệu bé ở châu Phi và 1,4 triệu em nhỏ ở châu Mỹ Latinh.

Đến năm 2050, sản lượng cây trồng ở châu Á dự kiến sẽ giảm 50% đối với lúa mì, 17% đối với gạo và điều này sẽ đe dọa hàng tỷ người sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Ngọc Ánh (t/h) – Báo MT&CS

Theo Môi trường & Cuộc sống

Ảnh: Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://moitruong.net.vn/he-qua-tu-viec-bien-doi-khi-hau-toan-cau/