Hãy ứng xử có trách nhiệm với di sản

Liên quan đến dự án ‘quây núi đá vịnh Hạ Long làm hòn non bộ’ tại Quảng Ninh, gây sự chú ý của dư luận mấy ngày qua, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hàng loạt vấn đề liên quan đến dự án.

Trong văn bản, lãnh đạo Bộ TN&MT đặc biệt lưu ý: Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long phải được ưu tiên bảo tồn, phục hồi nguyên trạng, các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo tồn, bảo vệ nguyên vẹn.

Đây không phải lần đầu tiên Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị xâm phạm. Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã từng phải ra các văn bản để kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng xâm hại nghiêm trọng tại vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long khi có rất nhiều công trình không phép bê tông hóa vùng lõi di sản, trong đó có hàng loạt công trình kè đầm tại phía sau đảo Đầu Gỗ; hang Hanh, các hòn: Vụng Ba Cửa, vụng Ong, vụng Hà…

Cũng là di sản, cách Quảng Ninh không xa là Quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Di sản này cũng từng bị xâm phạm bởi hàng loạt công trình trái phép trong vùng lõi, sự việc có vẻ như cơ quan chức năng địa phương “không nghe không thấy”. Nó chỉ được “phát giác” từ dư luận, báo chí và khi đó “quả bóng trách nhiệm” lại được đá sang doanh nghiệp vi phạm.

Những vi phạm, xâm hại vùng lõi, vùng đệm di sản ở vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An mới là số ít nhưng lại được xem là “điểm nóng”. Dư luận băn khoăn về vấn đề trách nhiệm liệu có được “truy” một cách triệt để như: Trách nhiệm công tác quản lý? Trách nhiệm với di sản của cá nhân, doanh nghiệp? Thậm chí, nhiều người còn thắc mắc: Trước khi “đục khoét” vịnh Hạ Long, ít ra người ta cũng phải biết đây là di sản thế giới chứ?

Nên nhớ, ở đây không chỉ có một, mà là hai di sản thuộc vịnh Hạ Long. Cụ thể: Năm 1994, UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới bởi giá trị ngoại hạng về mặt cảnh quan. Năm 2000, vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản địa chất thế giới vì những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo.

Thế nên, điều mà nhân dân đau lòng nhưng lại không biết làm cách nào để bảo vệ khi không ít nơi vì chữ “lợi” trước mắt mà các đơn vị bất chấp việc “xẻ rừng bạt núi”, bán rẻ tài nguyên. Kéo theo một hệ lụy là một phần di sản văn hóa, thiên nhiên đã và đang chịu tác động ngày càng nhanh chóng của sự biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội. Hiện tại, di sản vịnh Hạ Long cũng đang chịu số phận tương tự.

Từ thực tế trên đã bộc lộ cho thấy còn có những hạn chế và yếu kém trong công tác bảo tồn, phát triển của ngành văn hóa tại địa phương này. Trong khi Việt Nam vốn dĩ vẫn được xem là quốc gia có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và những di sản thế giới như vịnh Hạ Long cũng góp phần làm nên bản sắc riêng của hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Luật Di sản văn hóa đã ra đời nhiều năm nay; ngày hội tôn vinh di sản cũng đã được cơ quan chức năng tổ chức nhiều lần, nhưng ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa có lẽ vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đã đến lúc, thay bằng cho “rút kinh nghiệm” hãy áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm, sai đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó để mang tính răn đe, không còn tái diễn tình trạng tương tự.

Thiết nghĩ, phát triển kinh tế theo hướng nào, bằng cách nào thì cũng cần phải tôn trọng di sản nói riêng và văn hóa nói chung. Do đó, hãy ứng xử có trách nhiệm với di sản. Trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải là của riêng ai.

Sông Hàn – Báo CAND

Theo Công An Nhân Dân

Ảnh: Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm “hòn non bộ”.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/hay-ung-xu-co-trach-nhiem-voi-di-san-i713534/