Hậu Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

(Phapluatmoitruong.vn)Thời gian qua, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tập trung thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xem đây là  hội để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Đa dạng các sản phẩm nông nghiệp

Theo Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019 – 2020, kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến 2030, tính đến cuối năm 2021, toàn thị xã Long Mỹ đã được tỉnh công nhận 10 sản phẩm. Trong đó có 2 sản phẩm 4 sao là Gạo sạch Liên Hưng Đài Thơm 8 và OM 5451 (phường Bình Thạnh) và 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Cá thát lát Đình Chiến (phường Vĩnh Tường), Kẹo đậu phộng Tân Mỹ, Bánh Hạnh nhân (phường Bình Thạnh), Mứt mãng cầu (phường Thuận An), 4 sản phẩm Thát Lát Ngọc Như Ý (xã Long Phú).

Trong tháng 5/2022, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP thị xã đã thông qua 7 sản phẩm. Kết quả đánh giá có 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Khóm đóng hộp, Nấm rơm đóng hộp, Cải xanh Bình Ký, Dưa không hạt Bình Ký và 3 sản phẩm đạt 3 sao gồm: Bánh kẹp Tuấn Điệp, Mứt mãng cầu Quốc Dũng và khô lươn Đình Chiến. Ngoài 7 sản phẩm này, thị xã sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm tiềm năng để tiếp tục trình hội đồng đánh giá cấp tỉnh.

Ông Trịnh Minh Tình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết: “Xác định xây dựng phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Phòng Kinh tế thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện sản phẩm OCOP cho năm 2022 và kiện toàn hội đồng đánh giá sản phẩm; Tập trung các sản phẩm nông nghiệp chất lượng”.

Sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của cơ sở gạo sạch Liên Hưng mang nhãn hiệu Đài Thơm 8.

Tiếp tục phát triển các sản phẩm mới

Nhiều năm qua, thị xã Long Mỹ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các xã, phường; Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…; Chỉ đạo các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, thị xã cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu…

Cơ sở Ngọc Như Ý là cơ sở có nhiều sản phẩm OCOP nhất với các sản phẩm mang hương vị cá Thát lát vùng đất Hậu Giang.

Theo ông Trịnh Minh Tình, để xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP trên địa bàn, phòng Kinh tế thị xã đề xuất và tập trung tham mưu các cấp, ngành của thị xã thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP, từ đó kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế.

Với những giải pháp đồng bộ, bám sát đặc điểm địa phương, chắc chắn thị xã Long Mỹ sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới.

Ông Mai Lý Tưởng, Phó Chủ tịch thường trực UBND thị xã Long Mỹ cho biết, theo kế hoạch số 38/KH – UBND về phát triển các sản phẩm OCOP trong năm 2022, thị xã sẽ triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với xu thế phát triển của mỗi địa phương. Trong đó, chú trọng vai trò của các xã, phường phát triển các mô hình và vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm cần mang tính chất đặc thù để khi nhắc đến sản phẩm, người tiêu dùng nhớ ngay đến thị xã Long Mỹ.

Huy Diệu  Phan Hải

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của thị xã Long Mỹ.