Hành động vì môi trường: Hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn

Tháng hành động vì môi trường là sự kiện hằng năm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân vừa ký Công văn số 2583/BTNMT-TTTT V/v phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022. Theo đó, trong 2 ngày 27 đến ngày 28 tháng 5 năm 2022, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động hưởng ứng 2 sự kiện này.

Được biết, Tháng hành động vì môi trường và Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là sự kiện Quốc gia do Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức định kỳ vào tháng 5 và tháng 6 hàng năm. Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học với mục đích nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với chủ đề “Chỉ một Trái Đất”, Ngày Môi trường thế giới (5/6) 2022 do Chương trình Liên hợp quốc (UNEP) phát động nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái Đất.

Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) năm nay được Liên hợp quốc (UN) phát động với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”. Sự kiện này nhằm hướng đến việc tạo động lực và hỗ trợ cho khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ được thông qua tại phần hội Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) vào cuối năm nay. Đồng thời, nâng cao tầm quan trọng việc cùng hành động xây dựng một tương lai chung, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nhận thức được môi trường đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển kinh tế và du lịch theo hướng bền vững, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ trong việc phát triển kinh tế, du lịch gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường. Với những kết quả đạt được trong việc bảo vệ môi trường hướng tới một nền kinh tế xanh – phát triển bền vững Bộ TN&MT đã lựa chọn tỉnh Quảng Ninh để phối tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 tại Việt Nam.

Những hoạt động này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đồng thời là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh giới thiệu tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bắt đầu từ năm 1972, Ngày Môi trường thế giới được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Nairobi.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động, tại Việt Nam từ năm 1982 đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước, góp phần nâng cao nhận thực của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (còn gọi là Ngày Đa dạng sinh học Thế giới) được khởi xướng năm 1993 và được kỷ niệm vào ngày 22/5 hằng năm từ năm 2000, nhằm tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học trên thế giới.

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày Công ước Đa dạng sinh học có hiệu lực. Là công ước toàn cầu về đa dạng sinh học đã được thông qua ngày 22/5/1992 và có hiệu lực vào ngày 29/12/1993, Công ước đến nay đã được 196 nước phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Mục đích của công cụ pháp lý quốc tế này là bảo tồn các dạng tài nguyên sinh học, sử dụng một cách hợp lý các thành phần của đa dạng sinh học và chia sẻ một cách đúng đắn, hợp lý và công bằng lợi nhuận thu được do sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền, việc chuyển giao kỹ thuật tiên tiến một cách thích hợp, lưu ý đến các quyền sở hữu về các tài nguyên đó và các kỹ thuật và có nguồn kinh phí thích hợp.

Lan Anh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Ảnh minh họa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/hanh-dong-vi-moi-truong-huong-toi-loi-song-xanh-hon-sach-hon-67243.html