Đã nhiều năm trôi qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi bẩn phát ra từ các cơ sở, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ nằm hai bên QL217, thuộc địa phận các xã Vĩnh Thịnh và Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, dự án xây dựng Cụm công nghiệp Vĩnh Minh để gom các cơ sở chế tác đá tập trung về một chỗ thì đã 5 lần gia hạn nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ, chủ đầu tư đang tiếp tục xin gia hạn?!
Ngộp thở vì bụi bẩn
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hiện có 17 mỏ đá các loại được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác đá, tập trung chủ yếu tại các xã Minh Tân, Vĩnh Thịnh và Vĩnh An. Năm 2013, làng Mai, xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề sản xuất, chế tác đá tại xã Minh Tân nói riêng và huyện Vĩnh Lộc nói chung không ngừng phát triển.
Thực tế cho thấy, nghề sản xuất và chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có mức thu nhập khá, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình phát triển “nóng”, tự phát, thiếu quy hoạch, nghề sản xuất và chế tác đá ở Vĩnh Lộc đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương.
Một ngày cuối tháng 3/2024, có mặt tại QL217, đoạn qua xã Vĩnh Thịnh và Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm cơ sở sản xuất và chế tác đá đang hoạt động nhộn nhịp như một đại công trường. Người dân địa phương cho hay, ở đây quanh năm suốt tháng, từ sáng sớm cho đến chiều muộn, tiếng máy cưa, xẻ đá, tiếng máy khoan, máy đục râm ran cả một vùng… Tại đây, về ngày nắng, chỉ cần một chiếc xe ôtô chạy qua là bụi bẩn cuốn theo mù mịt, ngày mưa thì bùn lầy bắn tung tóe ra hai bên. Quan sát xung quanh chúng tôi nhận thấy, hầu như nhà nào cũng đóng kín cửa, trên các ô cửa sổ đều được lắp thêm rèm che phía ngoài chống bụi. Những cây trồng bên đường đều được phủ kín một lớp bụi trắng xóa. Thêm vào đó, nước thải từ hoạt động cưa, xẻ đá chảy tràn ra khắp nơi, không có hệ thống thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hậu – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc cho biết, trên địa bàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá nằm dọc theo QL217. Theo lộ trình, khi Cụm công nghiệp Vĩnh Minh của huyện Vĩnh Lộc hoàn thành sẽ di chuyển các cơ sở chế tác đá vào sản xuất tập trung, khi đó mới giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Còn ông Hoàng Văn Khải – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, trên địa bàn xã có làng nghề chế tác đá mỹ nghệ làng Mai đã được Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống. Làng nghề này có 19 hộ, chủ yếu sản xuất, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ đá như: bàn ghế, bia mộ, đá ốp lát… Bên cạnh đó, xã Minh Tân còn có 180 cơ sở sản xuất chế tác đá khác cũng đang hoạt động. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy đã có nhiều cải thiện nhưng chưa triệt để.
Tìm hiểu của phóng viên được biết, một giải pháp làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường được UBND huyện Vĩnh Lộc triển khai gần đây là dự án thu gom, xử lý nước thải tại các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng. Ông Trịnh Tuấn Vũ – Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Lộc cho biết, khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động cưa, xẻ đá trước khi xả ra môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Ngoài ra, ông Mai Xuân Tùng – Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Lộc cũng cho biết, hàng năm UBND huyện Vĩnh Lộc đều có văn bản chỉ đạo các xã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế tác đá. Đồng thời, đề nghị các xã cho các cơ sở chế tác đá ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động.
Ì ạch xây dựng cụm công nghiệp
Năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 4625/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Cụm công nghiệp Vĩnh Minh được xây dựng tại xã Vĩnh Minh (nay là Minh Tân), huyện Vĩnh Lộc, có diện tích khoảng 30ha, với các ngành nghề hoạt động: sản xuất, chế tác, trưng bày sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nghề đá, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và các ngành nghề khác có liên quan. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Vĩnh Minh là Công ty TNHH BNB Hà Nội, với tổng mức đầu tư khoảng 205 tỷ đồng.
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1 thực hiện với diện tích khoảng 12,7ha, thời gian hoàn thành xây dựng vào quý II-2023; giai đoạn 2 thực hiện với phần diện tích còn lại khoảng 17,3ha (trong đó khoảng 9,2ha là đất công nghiệp hiện trạng), thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai là quý II-2023. Thi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng quý I-2024.
Sau khi Cụm công nghiệp Vĩnh Minh hoàn thành, huyện Vĩnh Lộc sẽ tiến hành đưa toàn bộ gần 300 cơ sở, làng nghề sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ dọc QL217, đoạn qua các xã Vĩnh Thịnh và Minh Tân vào đây hoạt động tập trung. Khi đó, tình trạng các làng nghề, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng lâu nay sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, sau 5 lần gia hạn, hiện dự án xây dựng Cụm công nghiệp Vĩnh Minh vẫn chậm tiến độ, chủ đầu tư đang làm thủ tục xin gia hạn tiếp.
Ông Vũ Hùng Thanh – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Vĩnh Lộc cho biết, dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh do Công ty TNHH BNB Hà Nội làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành, huyện sẽ di chuyển các cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ trên địa bàn vào để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện tại, dự án chậm tiến độ, từ khi chấp thuận cho tới nay, chủ đầu tư đã 5 lần xin gia hạn, điều chỉnh dự án. Huyện đã nhiều lần có văn bản, làm việc với chủ đầu tư để đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục có văn bản xin Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho gia hạn tiến độ thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Minh.
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ngang nhiên xả thải ra môi trường.
Xem bài viết gốc tại đây: