Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng tại Thái Nguyên

Hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Ngày 15/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1/1/2010 – 31/12/2018.

Trong từng lĩnh vực, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm, trách nhiệm của từng đơn vị tại từng giai đoạn cụ thể.

Theo đó, đối với việc quản lý sử dụng đất đai, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, chất lượng của công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn thấp, trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, triển khai một số công trình, dự án phát sinh năm ngoài quy hoạch dẫn đến một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số dự án, công trình có trong quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư hoặc có nhà đầu tư, nhưng thực hiện chậm do khó khăn về tài chính, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tình trạng sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch được duyệt vẫn còn xảy ra.

Cùng với đó, công tác thống kê, kiểm kê đất đai chưa thực hiện tốt, còn một số chỉ tiêu số liệu thống kê chưa phản ánh đúng, đầy đủ về tình hình sử dụng đất trên địa bàn, chưa thực sự là kênh thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Việc giao đất thực hiện một số dự án khu dân cư, khu đô thị – thương mại – dịch vụ không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất diễn ra thời gian dài nhưng chậm được phát hiện để khắc phục, sửa sai.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên và các sở, ngành, UBND huyện và thành phố có liên quan.

Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sảnUBND tỉnh Thái Nguyên chưa kịp thời điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 – 2020 theo văn bản ủy quyền số 534/VPCP-KTN ngày 23/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh và cơ quan tham mưu là sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2016 – 2018.

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản giai đoạn từ năm 2010-2020 không xác định diện tích, tọa độ và không lập phê duyệt bản đồ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh các giai đoạn (Quy hoạch khoáng sản ngành) là không thực hiện đúng quy định. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, sở Công thương giai đoạn 2010 – 2018.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 không lập và phê duyệt Bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường trên địa bàn tỉnh các giai đoạn (Quy hoạch khoáng sản ngành) là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh, sở Xây dựng giai đoạn 2010 – 2018.

Trong giai đoạn từ năm 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 38 dự án do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng còn 15/38 mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, trong số 15 mỏ hết thời hạn có 2 mỏ đã được cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản, 5 mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng để được cấp lại giấy phép.

Giai đoạn 2009-2013, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa kịp thời ban hành quyết định tính hệ số quy định khối lượng từ quặng thành phẩm hoặc quặng tuyển ra quặng nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường là chưa thực hiện đúng Thông tư số 67/2008/TT-BTC ngày 21/7/2008 và Thông tư số 158/2011/TT-BTC ngày 16/11/2011 của bộ Tài chính.

Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, sở Tài nguyên và Môi trường, cục Thuế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2018.

Khu công nghiệp Sông Công II, Thái Nguyên.

Đối với đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công vẫn còn sơ sài về nội dung, báo cáo thẩm định chưa phân tích và làm rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Việc lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chất lượng hồ sơ thiết kế cơ sở còn sơ sài, chưa phù hợp với yêu cầu của dự án, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong khi các quy hoạch xây dựng; quy hoạch ngành.

Việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng còn hạn chế, mặt khác tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu còn thấp (chỉ đạt 3,88%).

Một số gói thầu tư vấn khảo sát khi lựa chọn nhà thầu (chỉ định thầu) chưa phù hợp với kế hoạch đấu thầu. Việc đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất trong việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP còn mang tính hình thức, không đủ thời gian để thẩm định các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn tới việc phê duyệt báo cáo còn nhiều tồn tại, nhất là các dự án BT và dự án khác, vốn vay của Nhà đầu tư chưa chính xác.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Thái Nguyên, chủ đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan.

Nguyễn Thu Huyền/NĐT

Theo Người Đưa Tin

Ảnh: Khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.nguoiduatin.vn/hang-loat-sai-pham-ve-quan-ly-dat-dai-dau-tu-xay-dung-tai-thai-nguyen-a520986.html