Rất nhiều địa phương trên cả nước ‘kêu khó’ sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn.
Mới đây, tại hội thảo “Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương”, đại diện từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhiều tỉnh thành cho biết, dù đã triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn và nhận thấy ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Cụ thể, các địa phương đang gặp khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như vấn đề kinh phí và thiết bị vận chuyển, thu gom rác thải. Điều này đã dẫn đến tình trạng triển khai không đồng bộ, thiếu hiệu quả, khiến việc phân loại rác tại nguồn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cụ thể, ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước cho rằng: “Khó khăn lớn nhất của địa phương là vấn đề hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, địa phương này sẽ tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tại TP. Đồng Xoài, còn các khu vực nông thôn, vùng núi thì rất khó tổ chức phân loại”.
Tại khu vực phía Nam, ông Đinh Việt Sơn, Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, Nhà máy đốt rác phát điện đang vận hành của thành phố tiếp nhận rác không cần qua phân loại và khối lượng rác chưa cung cấp đủ. Nếu tổ chức phân loại rác thải thực phẩm riêng thì sẽ càng không đủ rác cung cấp cho nhà máy đốt rác phát điện và đến giờ thành phố cũng chưa tính toán được khối lượng rác thải thực phẩm là bao nhiêu để kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất phân composite”.
Tại TP Hải Phòng, ông Phạm Văn Thuấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố này cho biết, địa phương này là nơi thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 57 xã, phường thuộc các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, An Dương từ năm 2016, được giới thiệu là điển hình để các địa phương học tập. Hiện Hải Phòng mỗi ngày phát sinh gần 2.000 tấn rác, trong đó đô thị khoảng 830 tấn chôn lấp hợp vệ sinh, 120 tấn tái chế; nông thôn 740 tấn xử lý hợp vệ sinh. Thành phố lập Phòng Quản lý chất thải rắn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chuyên giải quyết vấn đề phân loại rác.
“Chúng tôi đã đi hơn 30 địa phương học tập kinh nghiệm nhưng khi thực hiện vẫn phải mò mẫm, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Bản thân tôi kinh qua quản lý các mảng đất đai, đo đạc, bản đồ, đến rác thải là thấy khó nhất. Dù được đánh giá cao, thành phố chưa dám nhận là mô hình tốt để các tỉnh học tập”, ông Phạm Văn Thuấn chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng dẫn chứng một hợp tác xã ở Hải Phòng mỗi ngày thu gom được 40 tấn rác, sau khi người dân phân loại chỉ phải chuyển đến bãi xử lý 28 tấn. Trong 28 tấn đó có thể ủ phân hữu cơ một nửa, nhưng quy trình chưa đồng bộ khiến công ty xử lý phải huy động nhân lực xé túi nilon đựng rác vứt sang một bên gây ô nhiễm và phát sinh chi phí. Việc duy trì mô hình đã thành công không dễ do nhiều nơi chưa thành nề nếp, chính quyền vẫn phải cử người giám sát.
Tại tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỉnh này gặp khó ngay từ khi lấy ý kiến để ban hành quy định quản lý chất thải rắn vào tháng 9/2024: “Lúc lấy ý kiến bằng văn bản thì các ban ngành, huyện đều đồng ý, nhưng tổ chức hội thảo thì hầu hết huyện bàn lùi, nêu khó khăn như chưa đồng bộ hạ tầng, thiếu văn bản hướng dẫn. Ngay việc phân chia rác thành mấy loại cũng nhận ý kiến trái chiều. Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến phân thành ba loại, trong đó loại rác thải khác thì chia thành rác thải cồng kềnh và nguy hại nên thực tế sẽ là 5 loại. Tuy nhiên, nhiều đơn vị mong muốn chỉ chia rác thành ba loại hoặc ít hơn”, ông Nguyễn Quang Nghiệp cho hay.
Theo ông Nguyễn Quang Nghiệp, vấn đề thu gom rác vào bao bì để tính khối lượng theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng khiến Hà Nam “đau đầu”. Mỗi ngày tỉnh Hà Nam phát sinh 400 tấn rác, nếu sản xuất túi tự phân hủy để đựng với đơn giá 10.000 đồng một túi thì mỗi năm sẽ phát sinh 145 tỷ đồng. Trong khi đó năm 2024, toàn bộ kinh phí xử lý rác từ thu gom, vận chuyển, phân loại toàn tỉnh chỉ 210 tỷ đồng. “Nếu thêm túi thì đội lên số tiền rất lớn. Chúng tôi đang tham mưu người dân chỉ cần phân loại và buộc kín rác bằng túi nylon, túi vải, bao tải. Sau này các đơn vị thu gom rác tái chế tùy vào nhu cầu có thể phát túi riêng”, ông Nguyễn Quang Nghiệp nói.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa chỉ ra khó khăn về nhân lực và nguồn lực. Tỉnh có 27 đơn vị hành chính, dân số 4,2 triệu, mỗi ngày phát sinh 2.500 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi đó cấp Sở hiện chỉ có 13 biên chế ở hai phòng kiểm soát ô nhiễm và tổng hợp, chưa có phòng quản lý chất thải rắn.
Ngoài ra, Thanh Hóa chưa thể thí điểm phân loại rác do tại TP Thanh Hóa có một khu xử lý rác thải tập trung, nhưng chưa thể hoạt động. Các đơn vị thu gom hiện chỉ có một loại xe nên việc thu theo rác phân loại cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên lại chỉ ra khó khăn về chính sách: “Tôi có thể bị kỷ luật bất kỳ lúc nào vì được tỉnh giao hết tháng 8 phải đấu thầu được nhà máy điện rác, nhưng hiện vẫn chưa làm được điều gì. Nguyên nhân là vướng nhiều quy định đấu thầu, quy hoạch điện cũng như thiếu chính sách ưu tiên nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Phân loại, xử lý rác là lĩnh vực đặc biệt vì tính chất xã hội nên Chính phủ cần có ưu tiên nhất định về thuế, cơ chế để thu hút nhà đầu tư”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên nói.
Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, phân loại rác là vấn đề khó do phải thay đổi ý thức cộng đồng cũng như đòi hỏi nguồn lực đầu tư đồng bộ nên không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Hiện các tỉnh triển khai thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tổng kết, trong tháng 9 báo cáo Chính phủ để gỡ một số vướng mắc.
Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường lưu ý, việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
“Luật đã giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để quy định lộ trình, cách thức phân loại CTRSH tại nguồn. Khi chưa đầy đủ hạ tầng thì tổ chức phân loại theo lộ trình, không cần thiết phải ra quân đồng loạt trên địa bàn cả tỉnh, thành phố. Đề nghị các Sở TN&MT cần nhanh chóng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy định về quản lý, phân loại CTRSH tại nguồn để làm cơ sở triển khai. Vì hiện nay mới chỉ có 50% số tỉnh, thành ban hành quy định này. Về vấn đề xử phạt đối với trường hợp không phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025, Bộ TN&MT đang quá trình sửa đổi Nghị định 45/2022 theo hướng chỉ xử phạt các trường hợp không phân loại theo quy định của UBND cấp tỉnh”, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.
Theo VOV.VN
Ảnh: Rất nhiều địa phương trên cả nước “kêu khó” sau khi thí điểm trong phân loại rác tại nguồn
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/xa-hoi/hang-loat-dia-phuong-keu-kho-trong-phan-loai-rac-tai-nguon-post1116899.vov