Xây dựng Chính phủ số là một trong 3 mục tiêu lớn của Nhà nước được đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia (cùng với kinh tế số và xã hội số).
Việc nghiên cứu chuyển đổi từ mô hình điện tử hóa (chính phủ điện tử) sang thông minh hóa (chính phủ số) đang diễn ra đồng loạt trong các cơ quan nhà nước, bắt đầu từ nâng cao nhận thức tiến tới triển khai chuyển đổi số từng bước một một cách vững chắc. Trong quá trình đó, sự đóng góp của những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ số có ý nghĩa rất quan trọng.
Bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Công ty CP Hanel, một trong những doanh nghiệp đi tiên phong về công nghệ số trao đổi thông tin về chủ đề này.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, Hanel đánh giá tầm quan trọng của việc hoàn thiện xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số hiện nay không? Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Hanel đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp số hóa trong việc xây dựng chính phủ số?
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4) mang lại cơ hội hoàn toàn mới không chỉ gia tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ điện tử (CPĐT) mà còn tạo ra nền tảng cho một sự chuyển đổi lên mức cao hơn: làm thay đổi phương thức hoạt động của bộ máy chính phủ nhờ những tiến bộ vược bậc của các công nghệ số, trong đó, nổi trội hơn cả là công nghệ Internet kết nối vạn vật (hay công nghệ IoT) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (hay công nghệ AI).
Chính phủ điện tử mà chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện là quá trình điện tử hóa (hay tin học hóa) các quy trình nghiệp vụ quản lý nhà nước. So với phương thức hoạt động truyền thống, CPĐT đã tiến một bước dài trên con đường hiện đại hóa hoạt động của bộ máy chính phủ nhờ ứng dụng các thành tựu tiên tiến của CNTT.
Cụ thể là, theo Bộ Thông tin Truyền thông, việc ứng dụng điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, kết nối qua Hệ thống CPĐT, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, về mặt bản chất, CPĐT chưa tạo ra phương thức hoạt động hoàn toàn mới mà mới chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính phủ dựa trên tự động hóa một phần hay toàn bộ quy trình nghiệp vụ có sẵn.
Khi các công nghệ số chín muồi vào thập niên 2010 người ta mới có điều kiện để xây dựng một mô hình hoàn toàn mới là Chính phủ số: Đó là chính phủ hoạt động dựa trên các công nghệ số để chủ động lựa chọn phương án hoạt động tối ưu trong mọi tình huống của các cơ quan nhà nước. Cách này làm thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của chính phủ với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động tăng lên gấp bội so với CPĐT.
Được biết nhiều sản phẩm mà Công ty Hanel cung cấp phục vụ xây dựng nền tảng chính phủ điện tử. Xin cho biết về những sản phẩm này?
Hanel đã tập trung nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế từ đầu thập niên 2010 và đã giới thiệu ra thị trường nhiều giải pháp được đánh giá cao như: giải pháp chính quyền điện tử nguồn mở, giải pháp quản lý giao thông thông minh trên nền bản đồ số, giải pháp phần mềm visa điện tử, hệ thống giám sát giao thông qua camera trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; hệ thống kiểm tra tải trọng xe; sàn giao dịch vận tải; các giải pháp quản trị doanh nghiệp,…
Trong đóng góp xây dựng CPĐT, Giải pháp Dịch vụ công – Một cửa điện tử UNIGATE của Hanel là sản phẩm được đánh giá là đáp ứng tối ưu các yêu cầu về khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Khi xây dựng giải pháp này, Hanel lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả.
UNIGATE là hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông 3 cấp (có thể mở rộng liên thông 4 cấp) và cổng dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định hiện hành, đảm bảo an ninh, bảo mật, tích hợp và liên thông dữ liệu với quốc gia, dữ liệu bộ ngành và các tỉnh thành.
Giải pháp có phiên bản ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, có thể tích hợp thanh toán điện tử, biên lai điện tử, chữ ký số, nhận hồ sơ tại nhà, kết nối hệ thống đa phương tiện,… đảm bảo dịch vụ công mức 4 và quy trình xử lý khép kín.
Giải pháp còn có khả năng tích hợp công cụ phân tích dữ liệu chuyên ngành; số hóa được hơn 2000 danh mục dữ liệu dùng chung và hơn 5000 danh mục dữ liệu đặc thù theo từng thủ tục hành chính.
Khi ứng dụng giải pháp của Hanel, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết thông qua phần mềm 1 cửa điện tử liên thông 3 cấp và cổng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm cả hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, giải pháp UNIGATE mang lại lợi ích cao khi giúp thống kê số liệu, rút ngắn quy trình xử lý, minh bạch công khai quy trình, quản lý giám sát được mọi khâu trong quy trình và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Đối với người dân và doanh nghiệp, giải pháp UNIGATE cung cấp khả năng giám sát hồ sơ, thực hiện các thủ tục với tốc độ nhanh chóng, chống tiêu cực và do vậy cũng giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Điều gì là quan trọng nhất trong việc xây dựng chính quyền điện tử? Để thành công, những đơn vị công nghệ nói riêng và các cấp chính quyền ứng dụng các giải pháp số hóa nói chung cần làm gì ?
Trong xây dựng chính quyền điện tử thì quan trọng hàng đầu là hoàn thiện thể chế về chính quyền điện tử. Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền đã xây dựng, ban hành một số văn bản pháp luật, tạo cơ sở hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2006; Luật An ninh mạng năm 2018.
Để thành công trong việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, các doanh nghiệp công nghệ và các cấp chính quyền cần ưu tiên tập trung phát triển dịch vụ công trực tuyến. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và CNTT, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia làm nền tảng cho xây dựng chính phủ điện tử.
Một yếu tố đóng vai trò quyết định nữa là cần phát triển nguồn nhân lực cho chính phủ điện tử và cân đối nguồn đầu tư công cho phát triển chính phủ điện tử ở các cấp chính quyền một cách đồng bộ.
Hanel có gặp khó khăn gì trong việc triển khai các sản phẩm phục vụ xây dựng hoàn thiện chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số? Hướng phát triển các sản phẩm trong tương lai của Công ty là gì?
Trong bối cảnh cả nước đang tập trung thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hanel có ưu thế là một trong số không nhiều doanh nghiệp công nghệ đã tạo ra được những sản phẩm và công cụ chuyển đổi số phục vụ xã hội, trong đó, nổi bật là Giải pháp quản lý giao thông thông minh đã ứng dụng thành công tại Việt Nam và hoạt động ổn định suốt 5 năm qua.
Thời gian tới, mục tiêu hàng đầu của Hanel là tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số, từng bước thay thế dần các giải pháp điện tử hóa trước đây để phục vụ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước mà Hanel đã tham gia. Bên cạnh đó, Hanel cũng liên kết với các doanh nghiệp công nghệ khác, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực cùng nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số Việt Nam làm công cụ và phương tiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, qua đó củng cố vị thế doanh nghiệp tiên phong về công nghệ số của mình và phát triển bền vững.
Hanel phấn đấu trở thành thành phần hạt nhân của quá trình chuyển đổi số quốc gia với tư cách là một doanh nghiệp công nghệ cung cấp các giải pháp số nền tảng, cùng các doanh nghiệp công nghệ tiên phong của Việt Nam đóng góp hiệu quả cho sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng và xã hội, hướng tới hoàn thành những mục tiêu chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đã chỉ ra./.
Xin cảm ơn bà!
Xuân Lĩnh
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)