Thành phố Busan, Hàn Quốc đã đồng ý xây dựng một thành phố nổi với sự hợp tác của OCEANIX – nhà thiết kế dự án và Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc (UN-Habitat).
Video: Ashui.com
Thành phố nổi của OCEANIX về cơ bản là một tập hợp các bệ hình lục giác nằm trên mặt nước, và sẽ là một mạng lưới các hình lục giác lồng vào nhau. Hình lục giác được coi là một trong những hình dạng kiến trúc hiệu quả nhất vì chúng cho phép các nhà xây dựng bảo tồn cả không gian và vật liệu. Giống như bên trong một tổ ong. Thành phố chống ngập có thể sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Các nền móng của thành phố sẽ được củng cố bởi một lớp phủ đá vôi cứng hơn bê tông từ hai đến ba lần, nhưng vẫn nổi. Vật liệu này được tạo ra bằng cách cho các khoáng chất dưới nước tiếp xúc với dòng điện. Khi có dòng điện đó, nó trở nên mạnh hơn theo thời gian và có thể tự sửa chữa, cho phép nó chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mục tiêu của kế hoạch đột phá trên là phát triển một thành phố chống ngập vươn ra biển và tự sản xuất lương thực, năng lượng và nước ngọt. Các lồng bên dưới nền móng có thể được sử dụng để nuôi sò điệp, tảo hoặc các dạng hải sản khác. Và hệ thống aquaponics (hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường với thủy canh trong một môi trường cộng sinh) có thể sử dụng chất thải từ cá để bón cây.
OCEANIX vẫn chưa xác định kích thước của thành phố nổi. Các kiến trúc sư sẽ hợp tác với các nhà thiết kế địa phương ở Hàn Quốc để điều chỉnh nguyên mẫu cho phù hợp với môi trường thực tế. OCEANIX sẽ công bố kết quả của những nỗ lực hợp tác này tại hội nghị bàn tròn thứ hai của Liên Hợp Quốc vào tháng 4 sang năm. Từ đó, họ sẽ bắt đầu thiết kế các nền tảng và đảm bảo phê duyệt cho việc xây dựng thành phố . Chi phí, có thể thay đổi tùy thuộc vào thiết kế và vật liệu cuối cùng, ước tính khoảng 200 triệu USD.
Với cái “gật đầu” của Busan, chúng ta mong chờ được tận mắt chứng kiến một thành phố nổi có thể chống chọi với thiên tai, bao gồm lũ lụt, sóng thần và siêu bão trở thành hiện thực vào năm 2025 – ý tưởng đột phá mà các nhà thiết kế và phát triển đã mơ tưởng trong nhiều thập kỷ.
Bảo Ngọc
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)