Do mùa mưa xuất hiện muộn, cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo tính toán thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp hơn so với TBNN. Dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp so với TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2019.
Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông vẫn tiếp tục bị sụt giảm.
Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với TBNN khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%.
Tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mê Kông ở mức cao hơn TBNN và năm 2019 từ 10-25%, ở vùng trung, hạ lưu phổ biến thấp hơn TBNN và năm 2019 từ 25-45%.
Nguồn nước ở khu vực ĐBSCL ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10-40%.
Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc từ tháng 6 đến tháng 8/2020 đều thấp hơn TBNN từ 31- 49%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 6-20% và năm 2019 từ 10-36%.
Mực nước đầu mùa lũ cũng ở mức thấp hơn TBNN từ 0,2- 1,6 m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7 m.
Tổng lượng dòng chảy vào ĐBSCL tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị TBNN, nghĩa là thiếu tới 65 tỷ m3.
Trong khi đó, theo thông tin dự báo khí tượng, cuối tháng 9 và tháng 10 lượng mưa trên lưu vực có thể sẽ được cải thiện và lượng mưa sẽ tăng tới mức TBNN.
Tuy nhiên, thường vào đầu mùa lũ, các hồ chứa bắt đầu tích nước theo quy trình. Do vậy, mặc dù có thể có sự gia tăng đóng góp dòng chảy của mưa nhưng vì nền tài nguyên nước trên lưu vực nửa đầu mùa lũ đang ở mức rất thấp (kể cả mực nước các hồ chứa), nên mực nước dọc dòng chính sông Mê Kông không thể tăng cao và vẫn bị thấp hơn so với TBNN. Các hồ chứa vẫn tiếp tục tích cực tích nước để đảm bảo phát điện trong mùa khô tới.
Hơn nữa, dù những tháng tới ở khu vực sông Mê Kông tiếp tục có mưa, tuy nhiên tổng lượng mưa trên toàn lưu vực vẫn thiếu hụt nhiều so với TBNN.
Theo đánh giá sơ bộ, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% TBNN (thiếu khoảng 130 tỷ m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%.
“Về tổng lượng nước lũ, năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua”- ông Long cho hay.
Do thiếu nước, nên theo dự báo xa của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, những tháng mùa khô 2020-2021 tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt.
Tình hình hán hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL.
Trong trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể còn gay gắt hơn.
Theo An Ninh Thủ Đô
Ảnh: Khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước do lũ về ít và về muộn
Xem bài viết gốc tại đây: