Hạn mặn gay gắt ở miền Tây: Sụt lún đất, thiếu nước ngọt

Mùa khô năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo diễn ra gay gắt hơn mọi năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng. ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó với hạn mặn.

Thiệt hại ước trên 9 tỷ đồng

Những ngày cuối tháng 2-2024, nắng nóng khu vực Nam bộ liên tục tăng, có nơi đạt mức 38oC. Cùng lúc này, nguồn nước ở các tuyến sông xuống thấp, khiến cho nước mặn lấn sâu vào nội đồng.

Ghi nhận của phóng viên tại các xã ven biển huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều hộ dân ở đây phải mua nước ngọt qua xử lý để sử dụng, vì nước ngọt từ các giếng khoan bị nhiễm mặn. Sống cách bờ biển hơn 20km, bà Nguyễn Thị Sáu (xã Tân Phong) cho biết, nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn, nên bà con phải mua nước ngọt qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để nấu ăn, tắm rửa.

Theo Đài Khí tượng – thủy văn tỉnh Bến Tre, mùa khô 2023-2024, mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình 10 năm gần nhất. Mặn bắt đầu xâm nhập từ tháng 11-2023, kéo dài đến tháng 5-2024. Hiện bên ngoài các nhánh sông chính ở Bến Tre đã bị mặn xâm nhập ở các mức độ khác nhau, có nơi độ mặn vượt 3‰, vào sâu nội địa hơn 40km dọc theo sông chính.

Tương tự, tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, làm sụt lún đất, đường giao thông. Nhiều kênh mương trong vùng cạn nước, giao thông đường thủy tê liệt. Vì vậy, bà con trong vùng thu hoạch lúa phải bán rẻ hơn 300-700 đồng/kg (do tốn phí vận chuyển bằng xe máy). Thống kê mới nhất cho thấy, tình trạng hạn hán dẫn đến sụt lún, gây thiệt hại ước trên 9 tỷ đồng. Con số thiệt hại còn đang tăng lên từng ngày.

Theo ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời, vụ lúa năm nay, trên địa bàn sản xuất hơn 28.950ha lúa, đã thu hoạch hơn 11.000ha. Dự báo có khoảng 2.000ha lúa và hơn 282ha bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. “Để hạn chế thiệt hại rau màu đến mức thấp nhất cho người dân, địa phương đã phối hợp Sở NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc rau màu trong điều kiện thiếu nước. Đồng thời, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm trong tưới tiêu”, ông Đỗ Văn Sử thông tin thêm.

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang (địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất với trên 86.000ha), năm nay còn khoảng 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn mặn. Có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cần được bảo vệ là khu vực thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), với chủ yếu là cây sầu riêng diện tích 22.000ha.

Dự án Cống âu Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) đã hoàn thành được khoảng 60% khối lượng. Khi hoàn thành giúp ngăn mặn trong mùa khô 2023-2024. Ảnh: NGỌC PHÚC

Trước tình hình trên, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cho biết, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi, cơ cấu lại mùa vụ; hoàn chỉnh 6 cống trên đường tỉnh 864 thuộc các huyện ở phía Tây của tỉnh. Khi mặn xâm nhập sâu, các cống này sẽ đóng lại, việc tưới tiêu cho rau màu, cây ăn trái sẽ lấy nước từ kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Chủ động tích trữ nước ngọt

Theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và tháng 3, tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km, vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng giải pháp phòng chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng.

Với mức xâm nhập mặn như vậy, nguy cơ xảy ra thiếu nước cho khoảng 56.260ha lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Ngoài ra, xâm nhập mặn cũng có khả năng ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300ha ở huyện Tân Trụ (Long An), các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây (Tiền Giang), Mỏ Cày Nam, Châu Thành (Bến Tre) và Kế Sách (Sóc Trăng). Bên cạnh đó, xâm nhập mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân sống phân tán và công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Nhằm chủ động ứng phó, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, thông tin, đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn trên sông kênh rạch; thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước… của các cơ quan dự báo Trung ương, của tỉnh; không để bị động làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước bên trong nội đồng, gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới hoặc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ, địa phương cũng đã khuyến cáo người dân chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới cây; chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát tình hình để có phương án ứng phó kịp thời.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết, viện đã khảo sát thực địa tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL. Qua đó ghi nhận, từ giữa tháng 2-2024 đến nay, khu vực Nam bộ nắng nóng gay gắt. Ở các tỉnh ven biển có thêm gió mạnh. Hai yếu tố này làm cho nước bốc hơi nhanh và khô hạn thêm gay gắt.

Ngoài ra, xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn phụ thuộc vào lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về. Những quốc gia thượng nguồn Mê Công cũng chịu sự tác động của El Nino ảnh hưởng đến việc sử dụng nước. Bên cạnh đó, hiện Campuchia đang lên kế hoạch chuyển nước bằng kênh đào thoát ra vịnh Thái Lan. Về lâu dài, nếu dự án này diễn ra sẽ làm cho tình trạng khô hạn ở ĐBSCL những năm tới càng thêm cực đoan.

Nhóm PV – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Kênh mương trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị khô cạn. Ảnh: TẤN THÁI

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/han-man-gay-gat-o-mien-tay-sut-lun-dat-thieu-nuoc-ngot-post727898.html