Hạn hán đe dọa các tỉnh miền Trung

Nắng nóng kỷ lục kéo dài trong nhiều ngày qua, trong khi lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn đã khiến cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên lâm vào tình trạng khô hạn trầm trọng. Nhiều vùng dân cư bị thiếu nước sinh hoạt. Việc thiếu nước sản xuất cũng làm cho nhiều diện tích canh tác bị mất trắng.

Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu vụ Hè Thu năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 9 đến 12-6 và từ ngày 20 đến 23-6-2019, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 – 40 độ C, một số nơi nhiệt độ đo được cao nhất trong lịch sử. Trong đó, mức nhiệt 43,4 độ đo được tại Hương Khê, Hà Tĩnh; 43,3 độ tại Con Cuông, Nghệ An.

Trong khi đó, tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu đến nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn. Dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20 – 60% dung tích thiết kế, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.

Ngay từ hồi tháng 4, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ghi nhận khu vực Bắc Trung bộ, Tây Nguyên bị ảnh hưởng của hạn hán do thiếu nước với tổng diện tích hơn 3.400ha và đưa ra nhận định sẽ có khoảng hơn 76.000ha của các khu vực này sẽ bị hạn hán, xâm nhập mặn tiếp nếu không có mưa. Trong đó, Bắc Trung bộ sẽ có khoảng 28.000ha bị hạn hán; Tây Nguyên 37.000ha; Đông Nam bộ khoảng hơn 11.000ha.

Đúng như nhận định, tình trạng thiếu nước bắt đầu xuất hiện từ tháng 6-2019 ở khu vực Bắc Trung bộ, nhất là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và lan rộng ra các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa từ giữa tháng 6. Cho đến thời điểm ngày 25-7, các tỉnh Trung và Nam Trung bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Trung bộ, hiện có 5.240ha lúa và rau màu đang bị hạn hán, thiếu nước (Quảng Bình 1.580ha, Quảng Trị 2.800ha, Thừa Thiên Huế 860ha); 61.100 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (Nghệ An 10.000 hộ, Hà Tĩnh 2.600 hộ, Quảng Bình 30.000 hộ, Quảng Trị 9.500 hộ, Thừa Thiên Huế 9.000 hộ).

Khu vực Nam Trung bộ ghi nhận có hơn 16.000ha diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, chiếm 4,6% diện tích lúa và cây hàng năm. Trong đó, tỉnh Phú Yên có 5.600ha bị ảnh hưởng, tỉnh Quảng Ngãi là 3.100ha, tỉnh Bình Định 4.060ha. Đã có hơn 500ha diện tích cây trồng bị chết. Cùng với việc thiếu hụt nước sản xuất, gần 53.000 hộ dân đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số vụ cháy rừng tại các tỉnh Trung bộ gia tăng trong thời gian vừa qua.

Điều đáng lo ngại là theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung bộ. Vùng núi phía Tây Trung bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt. Lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, sẽ có khoảng 14.900ha cây trồng tại Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 3,2% diện tích gieo trồng. Khu vực Nam Trung bộ sẽ có khoảng 54.400ha bị khô hạn, chiếm 15% diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, khu vực Trung bộ sẽ có khoảng 138.800 hộ dân nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Tập trung ứng phó với nắng nóng

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, triển khai nạo vét cửa lấy nước, kênh mương; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn.

Về lâu dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, xác định vùng trồng lúa chủ động nguồn nước, vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, xây dựng các mô hình chuyển đổi gắn với liên kết sản xuất và thị trường.

Để góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước, Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo các địa phương tăng cường phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đến nay, cả nước đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu từ 200ha trở lên với hơn 6.300 hồ chứa có dung tích từ 50.000m3.

Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho trên 7,2 triệu ha gieo trồng lúa và 1,65 triệu ha cây trồng cạn, trong đó, 1,25 triệu ha gieo trồng lúa và 275 nghìn ha cây trồng cạn chủ lực được áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Bích Nguyên – Báo Biên Phòng

Theo Biên Phòng

Ảnh: Hồ chứa thủy lợi ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống mực nước “chết”. Ảnh: Toàn Nguyễn

Xem bài viết gốc tại đây:

http://www.bienphong.com.vn/han-han-de-doa-cac-tinh-mien-trung/