Tại cửa sông Đa Độ, nhiều bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép, ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm, trên bến dưới thuyền tấp nập. Xe chở vật liệu đi tiêu thụ ngày ngày “quần thảo”, tàn phá đê, công trình thủy lợi và các tuyến đường liên xã…
Đó là những gì đang diễn ra tại khu vực cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng (chỗ cửa sông Đa Độ ra sông Văn Úc).
Ghi nhận tại doi cát trên hành lang an toàn cống Cổ Tiểu và khu vực bãi bồi ngoài đê sông Văn Úc (xã Đoàn Xá, trên diện tích đất nuôi trồng thủy sản) hàng loạt bến, bãi kinh doanh VLXD không phép, trái quy hoạch, mọc lên “như nấm sau mưa”. Tại thời điểm PV quan sát, có ít nhất 04 xà lan chở VLXD đang neo đậu chờ lên hàng, máy cẩu hối hả cạp cát, đá lên bãi.
Người dân nơi đây phản ảnh, mỗi ngày có tới cả trăm lượt xe chở cát, đá quá khổ, quá tải, không che chắn tàn phá nghiêm trọng đường dân sinh. Mỗi khi trời mưa, cả tuyến đường trở nên lầy lội. Lúc trời nắng, bụi bay mù mịt phủ trắng sân, nhà nào cũng có cửa sổ nhưng hiếm khi mở.
Các lượt xe quá tải chạy trên tuyến đê, qua cống Cổ Tiểu làm giảm tuổi thọ các công trình thủy lợi, đồng thời làm mặt đê dài hơn 1km (từ xã Đoàn Xá sang xã Đại Hà) bị bong tróc, sụt lún. Nhiều “ổ trâu”, “ổ gà”, là nỗi “ác mộng” thường trực của người dân mỗi khi qua đây.
Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho biết: Các bãi tập kết, kinh doanh VLXD trái phép như phản ảnh nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Trước đây khu vực bãi bồi này do xã quản lý cho thuê, nhưng từ năm 2012, thẩm quyền quản lý thuộc về cấp Huyện. Hiện tại, huyện Kiến Thụy đang có hợp đồng cho một số cá nhân thuê với mục đích nuôi trồng thủy sản. Còn tại doi cát nằm trong hành lang an toàn cống Cổ Tiểu do Công ty Đa Độ cho ông Phạm Văn Long thuê có diện tích lớn nhất.
Ông Chiến thừa nhận, việc xuống cấp của đoạn đê và tuyền đường liên xã một phần là do tình trạng xe chở VLXD tại các bến bãi sai phép (khu vực cống Cổ Tiểu) gây ra.
Hàng ngàn tấn cát, đá bủa vây hành lang an toàn cống Cổ Tiểu, trên diện tích nuôi trồng thủy sản tại xã Đoàn Xá |
Tấp nập trên bến – dưới thuyền |
Xe tải chở VLXD “quần thảo” tuyến đê |
Tuyến đường liên xã bị “hủy hoại” nghiêm trọng |
Hợp tác để bảo vệ công trình?
Để rộng đường dư luận, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Đa Độ. Ông Phạm Văn Kiên – Phó Tổng Giám đốc Cty Đa Độ phủ nhận việc cho ông Long thuê bãi để kinh doanh vật liệu. Ông Kiên cho biết, ông Phạm Văn Long đã làm bến bãi vật liệu tại đây từ trước khi xây cống Cổ Tiểu.
Khi hoàn thành công trình cống Cổ Tiểu 3, UBND TP đã có Quyết định số 549 giao doi cát (nơi hộ ông Long đang làm bến VLXD) cho Công ty Đa Độ quản lý. Công ty Đa Độ và ông Long đã có văn bản thỏa thuận cho tận dụng mặt bằng doi cát để khai thác, kết hợp tham gia bảo vệ công trình.
Phản ảnh về việc có nhiều xe quá khổ, quá tải chạy qua tuyến đê, cống Cổ Tiểu có thể làm hỏng công trình thủy lợi, ông Nguyễn Văn Chọn – Chủ tịch HĐQT cho rằng, việc các xe có quá khổ quá tải chạy qua Cống cũng là một vấn đề nhức nhối trong quản lý của công ty, tuy nhiên ngoài thẩm quyển xử lý.
Đối với tuyến đê không kết hợp làm đường giao thông theo quy định tại Điều 28 Luật Đê điều, chỉ cho phép xe có tải trọng không quá 12 tấn đi qua. Đã nhiều lần, Công ty Đa Độ đề nghị lên các các cấp, ngành cắm biển hạn chế, chỉ cho xe tải trọng dưới 10 tấn đi qua nhưng không được chấp thuận. Đối với mặt cống theo thiết kế có thể chịu tải trọng lớn tới vài chục tấn nhưng với những xe tải trọng lớn như thế sẽ làm giảm tuổi thọ của Cống. Công ty đã nhiều lần quây hàng rào để chắn xe nhưng đều bị các đối tượng phá bỏ, ông Chọn phân trần.
Phía Công ty Đa Độ chỉ khẳng định là giao bãi trên doi cát tại hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu cho gia đình ông Long để kinh doanh kết hợp với bảo vệ hành lang đê. Trái lại, trao đổi với PV đại diện bến bãi VLXD đã khẳng định có thuê với giá 18 triệu đồng/1 năm để thực hiện việc kinh doanh.
Đáng chú ý, hộ ông Phạm Văn Long còn trình ra được Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (thời hạn 06 tháng, từ tháng 3-9/2020), vậy căn cứ nào để sở GTVT Hải Phòng cấp phép bến bãi trên ?
Có lẽ việc quây rào bảo vệ công trình hay “cho thuê bãi kết hợp bảo vệ công trình” như các vị lãnh đạo của Công ty Đa Độ nói chỉ là những lời biện hộ, bởi việc cho thuê bãi kinh doanh VLXD đồng nghĩa gián tiếp tiếp tay để hủy hoại công trình thủy lợi khi xe tải chở vật liệu xây dựng đi tiêu thụ ngày đêm chạy qua cống và tuyến đê.
Được biết cống Cổ Tiểu 2 trong năm 2019 từng bị sập cửa vòm. Năm 2020, Công ty Đa Độ đã đầu tư làm lại cửa vòm và bề mặt cống với tổng kinh phí hơn 400 triệu.
Phạm Duy – Trường Giang – Báo TMMT
Theo Tài nguyên & Môi trường
Xem bài viết gốc tại đây: