Sau hơn 10 năm bỏ bê, gần như ‘tê liệt’ hoàn toàn, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) có cơ hội hồi sinh khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn Cầu Treo là một trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập từ năm 2007 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với diện tích tự nhiên gần 57.000ha (gồm các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn của huyện Hương Sơn) là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai nên khoảng 3 năm đầu (giai đoạn 2007 – 2010) đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo thành một khu kinh tế năng động. Nhưng sự năng động, sầm uất đó nhanh chóng lụi tàn khi hàng loạt doanh nghiệp bỏ đi, để lại phía sau nhiều công trình dang dở. Từ niềm hi vọng là vùng động lực phát triển phía Tây, hơn 10 năm qua, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo lại trở thành “điểm đen” trong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh.
“Hơn chục năm qua, đất chúng tôi mất đi, giờ không biết làm gì. Trong lúc đất thu hồi lại bỏ hoang… Ngày nào đi ra đi vào cũng thấy khu công nghiệp mà tiếc”, ông Trần Văn Sơn, người dân xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn ngán ngẩm.
Bức xúc về những hệ lụy từ việc Khu kinh tế đìu hiu, hoang hóa, ông Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để xây dựng khu Công nghiệp Đại Kim (trong khu kinh tế Cầu Treo) xã đã phải nhường 27ha trong tổng số 40 ha ruộng nước, nhưng nay, diện mạo địa phương, đời sống người dân cũng “treo” theo dự án. Hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng, đất đai hoang hóa không thể cải tạo đã cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
“Mặt bằng của Sơn Kim được đất của khu vực này đẹp nhất, bây giờ như thế rất lãng phí… ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của xã”, ông Hoàng Văn Thư nói.
Lý giải về việc đình trệ tại khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, những thay đổi trong cơ chế chính sách là nguyên nhân chính của thực trạng này. Các chính sách ưu đãi trong khu kinh tế chưa có tính ổn định dài hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Quyết định 162/2007 của Thủ tướng Chính phủ, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư trong khu kinh tế. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, khi Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107 có hiệu lực, khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thương.
Trong khi đó, hạ tầng tại khu cửa khẩu thiếu đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng; Quốc lộ 8A – tuyến đường huyết mạch lên cửa khầu Cầu Treo bị hư hỏng, xống cấp nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa.
“Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương bố trí nguồn vốn tiếp tục thực hiện và đưa dự án vào sử dụng. Trước mắt, kiến nghị Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức việc sửa chữa, cải tạo các đoạn hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng”, ông Lương Phan Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho biết.
Nhằm hồi sinh Khu kinh tế được xem là vùng động lực phát triển phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, khu vực Bắc Trung bộ nói chung, cuối năm 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn Cầu Treo là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương về bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, bảo đảm tiến độ giải ngân, xây dựng dự án/công trình.
“Tôi cho rằng, quyết định của Thủ tướng sẽ là cơ hội mới, rất lớn để chúng tôi thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo phát triển. Hiện nay, huyện Hương Sơn đang tập trung đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là du lịch sinh thái – thế mạnh của địa phương. Đây cũng là việc chúng tôi đón đầu chủ trương của Thủ tướng chính phủ về việc đầu tư cho khu kinh tế”, Ông Bùi Nhân Sâm, Bí thư huyện ủy Hương Sơn nêu rõ.
Rõ ràng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ khi đồng ý lựa chọn Cầu Treo là một trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư sẽ là điều kiện quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh “vực dậy” khu kinh tế có tầm chiến lược này. Vấn đề còn lại là quyết tâm và chiến lược đúng của tỉnh Hà Tĩnh để biến cơ hội thành hiện thực – hồi sinh khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo.
Theo VOV.VN
Ảnh: Hà Tĩnh sẽ hồi sinh được khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/kinh-te/ha-tinh-se-hoi-sinh-duoc-khu-kinh-te-cua-khau-cau-treo-847687.vov