Hà Tĩnh: Rừng phòng hộ bị bức tử!

(Phapluatmoitruong.vn) – Một hợp tác xã cùng nhiều hộ dân đã lợi dụng khoanh nuôi bảo vệ, ngang nhiên mở đường, chặt phá hàng trăm ha rừng để đào ao và xây dựng công trình trái phép trong rừng đầu nguồn xã Kỳ Sơn.

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua, tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy trong rừng phòng hộ do UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, quản lý diễn ra rất phức tạp và công khai. Điển hình là HTX Sinh thái Nông nghiệp Khe Xai Kỳ Sơn và nhiều hộ dân khác đã ngang nhiên mở nhiều tuyến đường đi sâu vào rừng đầu nguồn, nơi giáp ranh rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh để chặt phá rừng cũng như dùng máy đào ao hồ, xây dựng nhiều công trình nằm trong rừng.

Từ UBND xã Kỳ Sơn, PV đi theo con đường lớn vào đến cầu tràn Khe Xai. Từ chỗ này phải để xe máy lại vì có nhiều hàng rào bảo vệ và được các đối tượng lạ mặt canh gác cẩn thận, chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng khoảng 10 km mới vào được tận nơi. Thật bất ngờ và xót xa khi thấy những cánh rừng xanh thẳm đã bị máy đào phá nát!

Không dừng lại ở đó, PV tiếp tục băng thêm 2 km đường rừng vào tận khu vực nơi được cho là khu vực khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng xã Kỳ Sơn mà HTX Sinh thái Nông nghiệp Khe Xai Kỳ Sơn được giao khoán quản lý. Giữa rừng xanh, nhiều công trình hiện đại được xây dựng và hàng chục ha rừng tự nhiên bị đốn hạ ngổn ngang để trồng keo tràm!

Chưa hết, đối diện khu vực này là một ngọn đồi cao đã bị cạo trọc, chẳng còn cây rừng tự nhiên nào, trên nền đất là hàng trăm hàng ngàn cây gỗ có đường kính chừng 80 – 90 cm bị cắt hạ cùng rất nhiều cây rừng đường kính nhỏ hơn 30 cm đã bị cắt hạ và đốt phá trắng trợn!

Một người dân dẫn đường là anh N.V.Đ. chỉ tay sang ngọn đồi bên cạnh cho biết: “Đây là khu vực Khe Xai, đi sâu vào bên trong rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý, có rất nhiều ngọn đồi bị chặt hết cây như thế này. Họ mới chặt gần đây và mấy ngày này họ làm mạnh hơn. Đồi này họ chặt trước và đưa máy đào phá rừng mở đường. Giờ trời tối chứ nếu không tôi dẫn các anh đi tiếp thì sẽ thấy rừng nơi đây bị chặt phá thảm khốc như thế nào. Họ chỉ giữ sơ sơ hai bên đường, còn vào sâu bên trong thì rừng không còn gì để mất…”.

Bảng nghiêm cấm chặt phá rừng ngay bên ảnh hợp tác khoanh nuôi bảo vệ rừng Kỳ Sơn.

Người dân chỉ cho PV thấy việc phá rừng mở đường lớn ngay giữa rừng đầu nguồn.

Người dân bức xúc, vì sao việc làm sai trái này đã diễn ra trong một thời gian rất dài nhưng vẫn chưa bị xử lý. Tại khu vực bị các đối tượng chặt phá rừng, dùng máy đào làm ao có đặt biển cấm các hành vi xâm hại đến rừng, mà chính người được giao quản lý rừng giao khoán lại đi chặt phá rừng để trồng trọt, làm ao thả cá…?! Phá rừng theo chiến thuật tỉa dần, có hay không việc lợi dụng khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng để rồi bức tử rừng phòng hộ đầu nguồn như vậy? Bởi khoanh nuôi bảo vệ trồng rừng đâu chẳng thấy, chỉ thấy rõ “chặt cây sống trồng cây chết”. Hợp tác xã làm, một người làm, hai người làm, ba người làm rồi đến hàng chục hộ dân kéo vào chặt phá rừng phòng hộ! Trách nhiệm này thuộc về ai?

Phá rừng, đắp hồ ngăn ao ngay giữa rừng xanh như chốn không người.

Hàng ngàn cây gỗ đường kính dưới 30 cm bị đốn hạ ngổn ngang để trồng keo tràm.

Đem những bức xúc và trăn trở người dân đến gặp lãnh đạo xã Kỳ Sơn, chúng tôi được ông Nguyễn Anh Ngọc – Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, cho biết: “Vị trí bị phá là tiểu khu 394 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn. Kỳ Sơn là xã có ranh giới rừng giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà tĩnh quản lý, bảo vệ nên nhận thông tin từ báo chí cung cấp, phía lãnh đạo xã rất cảm ơn vì chưa nắm bắt thông tin cụ thể. Tôi sẽ chỉ đạo ngay anh em xác minh, phối hợp kiểm tra lại, sai tới đâu sẽ xử lý tới đó, quyết không bao che!.

Ngoài ra, PV cũng đã nhiều lần liên hệ với kiểm lâm huyện Kỳ Anh để tìm hiểu về sự việc, nhưng đến nay vẫn chưa thể gặp được sau nhiều ngày chờ đợi.

Đường xuyên qua rừng phòng hộ được rào chắn như của hộ gia đình.

Cả một khu vực rộng bị người dân tổ chức chặt phá phục vụ cho mục đích riêng.

Có hay không việc chính quyền địa phương tiếp tay cho vi phạm, bởi việc ngang nhiên đào hồ, ngăn đập, chặt phá hàng chục ha rừng và xây dựng nhiều công trình trái phép đã diễn ra trong một thời gian dài mà không bị bất cứ cơ quan chức năng nào xử lý?

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Thoan – Nguyễn Chiến

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhiều cây gỗ có đường kính từ 70 -90 cm bị đốn hạ ngay tại khu HTX Sinh thái Nông nghiệp Khe Xai Kỳ Sơn khoanh nuôi bảo vệ rừng.