Thời gian đầu, các xe tải đổ đất phục vụ công trình thực hiện theo đúng cam kết. Thế nhưng việc này không kéo dài lâu, bởi sau đó, một số xe đã chở đất ra ngoài khu vực này để cung cấp cho dự án xây dựng khác.
UBND xã Hà Linh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mới đây triển khai xây dựng công trình nhà văn hóa và khu sinh hoạt cộng đồng thôn 12 với diện tích 3.692,5m2 ở vùng đồi Bánh Rán, đoạn gần cầu Khe Chẹt, Quốc lộ 15A.
Công trình có tổng mức đầu tư 650 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, số còn lại do người dân đóng góp), giao cho tổ thợ ở địa phương do ông Nguyễn Văn Thìn (người của địa phương) làm tổ trưởng và dự kiến hoàn thành trước 30/6/2021. Khu vực thi công là vùng đồi nên cần giải phóng mặt bằng với khối lượng đất ước tính 12.000m3.
Vì kinh phí khó khăn nên qua bàn bạc, địa phương thống nhất bán lại đất cho những hộ dân có nhu cầu ở thôn 12 với giá 150.000 đồng/xe và giao ước “không được vận chuyển đất ra ngoài thôn”.
Theo nguồn tin của Báo Hà Tĩnh, thời gian đầu, các xe tải đổ đất theo đúng cam kết. Thế nhưng việc này không kéo dài lâu bởi sau đó, một số xe đã chở đất ra ngoài khu vực thôn 12 để cung cấp cho dự án xây dựng khác.
Trưa 25/1, PV Báo Hà Tĩnh đã có mặt ở địa điểm xây dựng nhà văn hóa thôn 12 và chứng kiến tại đây có máy đang múc đất đồi cho 3-4 xe tải. Thời điểm này, không có chính quyền địa phương giám sát hoạt động múc đất.
Theo dấu xe tải mang BKS 38C – 067.72, PV nhận thấy phương tiện này không dừng đổ cho người dân nào trong thôn 12, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, mà chạy theo quốc lộ 15A về TP Hà Tĩnh rồi dừng ở công trường đang thi công ở phường Nguyễn Du. Sau khi đổ, xe tải lại trở về đồi đất ở thôn 12 để tiếp tục chuyến khác.
Không chỉ có xe tải nói trên mà các xe tải khác cũng di chuyển ra ngoài khu vực xã Hà Linh rồi vận chuyển đổ đất cho công trình xây dựng này.
Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho hay: Từ đầu, địa phương đã giao cho thôn 12 quản lý quá trình múc đất, địa điểm đổ khi dời dọn mặt bằng xây dựng nhà văn hóa nhưng do những người đứng đầu thôn thiếu tinh thần trách nhiệm nên để xảy ra việc vận chuyển đất ra ngoài địa bàn.
Trong khi đó, theo ông Lê Xuân Minh, Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Hà Linh thì thôn chỉ giám sát tại 1 điểm là vị trí đổ đất ở nhà dân, còn hoạt động múc đất thì không có.
Liên quan đến vụ việc, ngay sau khi có phản ánh, tại hiện trường, Tổ công tác liên ngành huyện Hương Khê đã đình chỉ hoạt động múc đất, lập biên bản sự việc, yêu cầu đưa máy xúc cùng 4 xe tải về trụ sở Công an huyện làm rõ sự việc.
Cũng tại địa bàn huyện Hương Khê, mới đây, người dân xã Phú Gia đã có phản ánh về việc đơn vị thi công lợi dụng việc nạo vét cát sỏi thanh thải dòng chảy thượng lưu, hạ lưu Cầu tràn Hương Vĩnh thành cát sỏi thương mại bán cho các hộ dân trên địa bàn và các địa phương lân cận khiến dư luận hết sức bất bình.
Trước đó, ngày 9/11/2020, UBND huyện Hương Khê ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp số 01.XL thuộc công trình nâng cấp, sửa chữa cầu tràn Hương Vĩnh, huyện Hương Khê. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Dương (Địa chỉ: xóm Hạ, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh); Giá trúng thầu hơn 1,4 tỷ; Nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đầu tháng 9/2019.
Theo thiết kế, hơn 7000m3 cát sỏi thanh thải dòng chảy này phải được chở đến tập kết tại các vị trí đúng theo quy định. Tuy nhiên, nhiều xe tải khôngchở đúng nơi quy định (bãi thải) mà lại chở đi bán cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn để trục lợi.
Xe chở cát, sỏi đươc múc trực tiếp từ giữa sông nên khi đưa lên xe vận chuyển đi khiến nước chảy lênh láng đổ ra trên các tuyến đường, bụi bay mù mịt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã vào trụ sở UBND xã Phú Gia và liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê.
Ông Nhân cho biết, việc nạo vét cát sỏi thanh thải dòng chảy thượng lưu, hạ lưu Cầu tràn Hương Vĩnh được bố trí 4 xe tải vận chuyển về tập kết tại 6 điểm bãi thải trên địa bàn xã theo đúng quy định.
Về thực trạng nhiều xe ô tô tải chở cát, sỏi đi bán ra ngoài, ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Phú Gia trao đổi qua điện thoại cho biết, đang họp HĐND xã nên nên chưa nắm được sự việc.
Một người đàn ông xưng tên Tuân, ở Công ty Tân Trường Phú đóng trên địa bàn huyện Hương Khê. Ông Tuân cho biết, ông là người đứng ra để nạo vét cát, sỏi thanh thải dòng chảy của công trình này đã được 20 ngày.
“Theo quy định thì phải chở đi các điểm tập kết theo đúng quy định để sau này xã lấy làm nông thôn mới với các đường giao thông nội đồng. Tuy nhiên, anh em cũng có tận dụng đổ ra ngoài vài chuyến thôi”, ông Tuân nói.
“Vẫn có một số xe chạy bát nháo đi đổ cát, sỏi bán ra ngoài và khi xe chạy, nước chảy lênh láng trên các tuyến đường khiến người dân phản ánh. Tôi cũng đã nói với anh Tuấn, Phó Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Hương Khê là cho dừng lại ngay rồi”, ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hương Khê chỉ đạo.
Theo An Ninh Tiền Tệ
Ảnh: Khu vực đồi Bánh Rán, thôn 12, xã Hà Linh được chọn làm nơi xây công trình nhà văn hóa và khu sinh hoạt cộng đồng của thôn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Xem bài viết gốc tại đây: