Chưa có quyết định thu hồi đất, chưa bồi thường, hỗ trợ đã san lấp mặt bằng và thi công dự án; khói bụi mù mịt, tường nhà dân bị nứt nẻ… là những gì đang xảy ra tại dự án đường ven biển đoạn qua thị xã Kỳ Anh.
Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội – Thạch Khê – Vũng Áng có tổng chiều dài 62,12km, đi qua các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Diện tích đất sử dụng khoảng 99,8ha, thời gian thực hiện từ 2017 – 2020.
Tổng mức đầu tư của dự án gần 1.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 923 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 234 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công không thực hiện quy định về bảo vệ môi trường. Mỗi lần xe vận chuyển vật liệu đi qua là bụi bay mù mịt khiến cuộc sống của người dân cạnh dự án bị đảo lộn.
Cụ Toàn (80 tuổi, ở thôn Bàn Hải, xã Kỳ Ninh) phản ánh: “Bụi kinh khủng. Họ không tưới nước nên bụi ngập nhà ngập cửa, phải lau chùi, quét dọn một ngày mấy lần.
Nhiều khi đến bữa cơm, gió lùa bụi vào nhà, không tài nào nuốt nổi.
Người dân có gây khó khăn hay cấm cản gì đâu, nhưng phải tưới nước cho chúng tôi”.
Còn bà Lê Thị Thơm (41 tuổi, ở thôn Bàn Hải) bày tỏ nỗi bức xúc vì thi công dự án làm nhà cửa nứt nẻ mà không ai quan tâm khắc phục.
“Mỗi lần máy lu làm việc là có cảm giác như bị động đất, xoong nồi trên giá va vào nhau lạch cạch, tường của nhiều hộ dân đã bị nứt nẻ. Nhiều lần chúng tôi yêu cầu giảm nhẹ độ rung thì họ hứa cử người đến làm việc nhưng rồi… mất hút”, bà Thơm phàn nàn.
Do xe lu thi công dự án rung quá mạnh, trần nhà của một hộ dân bị nứt toác.
Trao đổi với PV Infonet về những vấn đề người dân phản ánh dự án này, ông Trần Ngọc Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Thời gian gần đây, người dân phản ánh bụi bặm, xã đã có văn bản gửi trực tiếp ra Ban (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh – PV) để nhờ họ can thiệp. Địa phương đã đôn đốc và nhắc nhở nhiều lần nhưng Công ty TNHH xây dựng Khánh Môn (đơn vị thị công – PV) không thực hiện”.
Bụi bám đỏ cả cây cối bên đường.
“Gần đây, nhiều đơn vị thi công trong một tuyến đường nên đơn vị này đổ lỗi cho đơn vị khác. Vừa rồi do bụi không chịu nổi, người dân có ra chặn xe, không cho chạy nữa, khi đó họ mới thực hiện tưới nước”, ông Phú thông tin.
Cũng theo ông Phú, việc xuất hiện các vết nứt của các hộ dân gần dự án, địa phương đang tập hợp và đề xuất phương án xử lý.
Địa phương đã nhiều lần phản ánh nhưng đơn vị thi công không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Liên quan đến dự án này, còn một hộ dân chưa đồng ý phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là ông Nguyễn Văn Loan ở thôn Bàn Hải, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, các đơn vị thi công đã triển khai san lấp mặt bằng, đốn hạ cây cối.
Theo phản ánh của ông Loan, do bị thu hồi hết toàn bộ 4.312,70m2 đất rừng sản xuất, khai hoang từ trước ngày 1/7/2004 nhưng không được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm theo quy định nên ông không đồng ý.
Ông Loan đặt câu hỏi: Cùng ảnh hưởng chung từ một dự án nhưng người dân xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) bị thu hồi toàn bộ đất thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm, còn các hộ dân xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) lại không được?
Diện tích 821,3m2 đất và cây cối của gia đình ông Loan chưa được áp giá đền bù mà đơn vị thi công đã san lấp mặt bằng, đốn hạ cây cối.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 3/11/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND (Quyết định 75 của UBND tỉnh) quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đất nông nghiệp sử dụng ổn định trước ngày 01/7/2004 không có tranh chấp, lấn chiếm mà bị thu hồi toàn bộ thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân.
Phần diện tích đất của ông Loan bị thu hồi cho dự án được chính quyền địa phương xác nhận là sử dụng ổn định trước 1/7/2004 và không có tranh chấp. Như vậy, theo Quyết định này, ông Loan được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Nói về nội dung ông Loan phản ánh, ông Trần Ngọc Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh thông tin với PV Infonet: “Việc giải phóng mặt bằng do một đơn vị của huyện phụ trách, địa phương chỉ có chức năng phối hợp”.
Còn một vị lãnh đạo thị xã Kỳ Anh cho hay: “Đất của hộ ông Loan cũng như đất của toàn dân ở đó đã xác định nguồn gốc rồi. Được thì được cả, mà không được thì thôi. Dân người ta đồng thuận cả, còn mỗi hộ đó chưa chấp nhận”.
Nói về việc không áp dụng Quyết định 75 của UBND tỉnh đối với trường hợp ông Loan, lãnh đạo thị xã Kỳ Anh lý giải: “Căn cứ đó cũng đang nhập nhoằng. Pháp luật quy định chưa rõ. Tại thị xã Kỳ Anh chưa áp dụng trường hợp nào. Anh em vẫn căn cứ quy định pháp luật để làm, không dám làm sai đâu”.
Tuy nhiên, vị này khẳng định UBND thị xã Kỳ Anh sẽ cho xác định lại nguồn gốc đất rừng rồi thông tin lại sau.
Trần Hoàn/Infonet
Theo Infonet
Ảnh: Bụi mù mịt tra tấn người đi đường, bức tử người dân sống gần vùng dự án.
Xem bài viết gốc tại đây: