Hà Nội ứng phó với chất lượng không khí rất xấu

Dự báo từ nay đến tháng 3-2021 là thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân

Hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT)) và Sở TN-MT Hà Nội, PAM Air (ứng dụng cung cấp thông tin về chỉ số chất lượng không khí) trong tuần đồng loạt cho chỉ số chất lượng không khí ở mức “rất xấu”, ảnh hưởng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khuyến cáo tránh hoạt động ngoài trời.

Nhiều hình thái bất lợi

Đặc biệt, trong ngày 5-1, lúc 10 giờ sáng, tại điểm đo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI (báo cáo chất lượng không khí hằng ngày) là 233; Hoàn Kiếm 225; Thành Công 229; Phạm Văn Đồng 243; Mỹ Đình 209; Hàng Đậu 256; Minh Khai – Bắc Từ Liêm 230… Ứng dụng IQAir (AirVisual) cũng xếp Hà Nội đứng tốp 4 TP ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 259.

Ông Bùi Duy Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết nguyên nhân ô nhiễm do giai đoạn đầu gió mùa Đông Bắc tăng cường, thúc đẩy khả năng khuếch tán chất ô nhiễm. Khi nền nhiệt xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, sáng sớm chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc, cản trở việc khuếch tán không khí, gây ô nhiễm cục bộ; yếu tố về địa hình khu vực vùng thủ đô chủ yếu là đồng bằng, thấp từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng; bao bọc xung quanh Hà Nội tại các khu vực giáp ranh là các khu vực đồi núi và các khu, cụm công nghiệp tỉnh (như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên) đang phát triển mạnh; do đó, với điều kiện khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quần gió, các chất ô nhiễm không phát tán được và tích tụ ô nhiễm trong những ngày qua tại khu vực Hà Nội nói riêng và một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Bên cạnh đó, lượng phương tiện giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết dương lịch; tình trạng rác thải ùn ứ, không được vận chuyển xử lý do thay đổi đơn vị thu gom rác trên địa bàn một số quận/huyện làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, gây ô nhiễm môi trường; đốt rơm rạ, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và các hoạt động sản xuất cuối năm tăng cường để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán cũng là những nguyên nhân phát thải ô nhiễm nội tại trên địa bàn Hà Nội.

Sở TN-MT Hà Nội dự báo từ nay đến tháng 3-2021 là thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Xây dựng kịch bản ứng phó

Để cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết vừa yêu cầu các sở, ban ngành xây dựng kịch bản ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, không khí.

Theo đó, yêu cầu Sở TN-MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí, truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận/huyện/thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm để kiểm tra, đôn đốc vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn.

Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn. Phối hợp Tổng cục Môi trường kiểm tra công tác vận hành và công bố số liệu quan trắc của các đơn vị trên địa bàn. Phối hợp tổ chức đánh giá tính hiệu quả các mô hình hạn chế đốt rơm rạ đã thực hiện, nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng tái sử dụng rơm rạ sau vụ mùa; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, bảo đảm không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Công an TP Hà Nội tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel; không bảo đảm che chắn gây ô nhiễm môi trường, cuốn đất đá trên đường. Sở Xây dựng tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, công trình cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè.

Sở Y tế phối hợp Sở TN-MT xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức rất xấu, nguy hại để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết cuối năm và lễ hội đầu năm mới để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Nhiều thời điểm Hà Nội đã lọt top những TP ô nhiễm không khí nhất thế giới

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/moi-truong/ha-noi-ung-pho-voi-chat-luong-khong-khi-rat-xau-20210109210410095.htm