Hà Nội triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm làng nghề

Các hộ sản xuất phân tán trong làng nghề, phần lớn tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng những dự án xử lý nước thải, Thành phố còn đẩy mạnh quy hoạch, di dời ngành nghề sản xuất vào khu, cụm công nghiệp làng nghề tập trung.

Nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế luôn được Đảng, Chính phủ và thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo, trong những năm qua đã thu được kết quả đáng khích lệ, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao tại Hoài Đức như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng…

Tuy nhiên, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, nước thải đối với làng nghề, cụm công nghiệp… gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Để hạn chế ô nhiễm, những năm qua thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch bảo vệ, cải tạo môi trường. Nhiều dự án áp dụng công nghệ tiên tiến đã được triển khai trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, tuy nhiên hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn Thành phố vẫn chưa được cải thiện, chuyển biến chậm.

Nguyên nhân là do phần lớn các làng nghề trên địa bàn Thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng với sự hình thành phát triển của làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.

Các hộ sản xuất phân tán trong làng nghề, phần lớn tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải tại các làng nghề.

Khoảng 5,2% tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giai đoạn 2019 – 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại các làng nghề trên địa bàn Thành phố kết quả đã thực hiện tại 228 làng nghề và phân loại theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy trong 228 làng nghề được đánh giá, phân loại có 103 làng nghề được phân loại ô nhiễm nghiêm trọng, 74 làng nghề được phân loại ô nhiễm và 52 làng nghề không ô nhiễm.

Kết quả thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải làng nghề cho thấy trong 40 cụm công nghiệp làng nghề đã và đang thành lập có 14 cụm công nghiệp làng nghề đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (3 cụm công nghiệp làng nghề đã có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động, 11 cụm đang được đầu tư xây dựng, hoàn thành trong năm 2020).

Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý (thống kê trên số liệu điều tra, khảo sát 293 làng nghề từ năm 2017 đến 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khoảng 5,2%.

Để giảm thiểu ô nhiễm, Thành phố đã thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung xử lý nước thải làng nghề. Tiêu biểu như nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, xã Dương Liễu huyện Hoài Đức công suất 20.000m3/ngày đêm xử lý nước thải cho các làng nghề Cát Quế, Minh Khai và Dương Liễu, đã hoàn thành đưa vào vận hành chính thức từ tháng 1/2017.

Dự án nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, 8.000m3/ngày đêm đã được khởi công tháng 12/2015, hiện tại nhà máy đã cơ bản hoàn thành, đang tổ chức vận hành chạy thử, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong năm 2020.

Ngoài ra Ủy ban nhân dân Thành phố đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường làm chủ đầu tư, tổ chức kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức (4.000m3/ngày đêm); dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, công suất 1.000m3/ngày đêm…

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công tác khảo sát, lập dự án “Thí điểm đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo mô hình hợp tác công – tư” tại làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức…

Nguyễn Hoa – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Những năm gần đây người dân làng nghề sản xuất miến dong xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) đã chú trọng hơn đến công tác bảo vệ môi trường

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/ha-noi-trien-khai-nhieu-giai-phap-xu-ly-o-nhiem-lang-nghe-113909.html