Hà Nội triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường làng nghề

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND, triển khai hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020. Nội dung chính của kế hoạch nhằm: Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội làng nghề. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng…

Vẫn còn nhiều làng nghề ô nhiễm

Theo kế hoạch, TP tiến hành đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Biện pháp xử lý chất thải của làng nghề. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chương trình quản lý và giám sát môi trường. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thông qua đánh giá tác động sẽ giúp TP có căn cứ chắc chắn về thực trạng môi trường làng nghề, xác định bất cập, đề xuất các biện pháp xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của từng làng nghề…

Thống kê cho thấy, Hà Nội có 1.350 làng nghề. Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Kết quả điều tra, khảo sát năm 2018 – 2019 của Sở TN&MT Hà Nội tại 192 làng nghề cho thấy, có tới 77 làng nghề ô nhiễm nước nghiêm trọng, 36 làng nghề ô nhiễm. Trong đó, ô nhiễm nước thải của nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm rất đáng lo ngại, phải kể đến làng nghề chế biến tinh bột sắn ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), làng chế biến tinh bột Cộng Hòa, làng chế biến nông sản thực phẩm Cát Quế, làng nghề làm bún thôn Kỳ Thủy, làng nghề làm bánh đa nem thôn Ngự Câu…

Một số liệu thống kê khác cho thấy, mỗi năm, ngành tinh bột sắn thải ra môi trường khoảng 240 – 300 triệu m3 nước thải/năm nhưng chỉ khoảng 10% tổng lượng nước thải đã qua xử lý, số còn lại đều xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Theo các chuyên gia môi trường, nước xả thải chưa qua xử lý không khỉ làm ô nhiễm tại các nguồn tiếp nhận như các kênh, mương, cống rãnh, ao hồ… mà còn thấm vào đất, gây nên ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nhiều biện pháp bảo vệ môi trường

Nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, Hà Nội đã thành lập được nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay đã có 26/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Sở Công thương Hà Nội tham mưu UBND TP thành lập thêm 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông… với tổng vốn dự kiến hơn 8.900 tỷ đồng.

TP đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, cụm làng nghề tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức công suất 20.000m3/ngày đêm vào năm 2016; đẩy nhanh tiến độ đầy tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức công suất 8.000m3/ngày đêm; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Phùng Xá, huyện Mỹ Đức công suất 500m3/ ngày đêm… Ngoài ra còn có một số nhà máy xử lý nước thải ở huyện Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 570 tỷ đồng.

Cùng với TP, các quận, huyện cũng đang đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Tại huyện Phú Xuyên, rắc rối lớn nhất vẫn là khâu thu gom rác thải tại các làng nghề. Chẳng hạn, tại xã Phú Yên, hiện có hơn 500 hộ, tổ hợp sản xuất, kinh doanh giày dép da, thu hút hơn 1.300 lao động trong và ngoài xã. Tiếp đó là xã Sơn Hà có nghề tết võng dù, gia công đồ thủ công mỹ nghệ như túi xách, ba-lô và ví da… dẫn tới một khối lượng lớn rác thải hàng ngày được đổ về các điểm thu gom rác.

Để giải quyết hữu hiệu bài toán rác thải, huyện Phú Xuyên đã và đang xây dựng quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 200 tỷ đồng theo hình thức xã hội. Dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý 500 tấn rác thải các loại/ngày, theo công nghệ đốt 2 cấp có xử lý khói thải, có thu hồi một phần nhiệt để sấy rác trước khi đưa vào lò đốt.

Không chỉ có kế hoạch triển khai hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 vừa được TP ban hành. Trước đó, TP đã có một loạt hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường làng nghề như Kế hoạch số 235/2015/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp đó là Ðề̀ án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Điểm nhấn tiếp theo, TP ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo sáu nhóm ngành, nghề sản xuất chính: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy…).

Cách đây không lâu, Sở Công thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.

Gia Bảo – Báo PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Việc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải giúp TP giảm thiểu được rất nhiều ô nhiễm môi trường. Ảnh tư liệu

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-trien-khai-nhieu-bien-phap-bao-ve-moi-truong-lang-nghe-195872.html