Hà Nội tính cấm xe máy và bài học Yangon 20 năm trước

Trước Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á cũng đã thực hiện cấm xe máy di chuyển trong khu vực nội đô. Tuy nhiên, lệnh cấm xe máy này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân tại nơi này.

Mới đây, UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội từ năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó có đề cập đến việc hạn chế, cấm xe máy trong địa bàn 12 quận nội thành.

Trên thực tế, đề án “cấm xe máy đi vào nội đô” đã được đề xuất vào năm 2017 và có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề án này. Nhiều người lo ngại rằng việc cấm xe máy vào nội đô lợi bất cập hại, có thể khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Câu chuyện của thành phố Yangon, Myanmar khi quyết đinh cấm xe máy bài học cho các nhà quản lý đô thị Việt Nam tham khảo.

Yangon là một trong những thành phố lớn nhất Myanmar và đã bắt đầu triển khai lệnh cấm xe máy từ 20 năm trước. Khi đó, chính quyền địa phương cho hay lệnh cấm xe máy là nhằm để hạn chế tình trạng tắc đường, giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như ô nhiễm môi trường.

Yangon đã cấm xe máy từ 20 năm trước

Theo Channel News Asia, vào thời điểm đó, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất tại Yangon. Số vụ tai nạn liên quan đến xe máy lên tới khoảng 800 vụ/năm. Chưa kể, nạn trộm cướp cũng hoành hành khi bọn tội phạm thường xuyên sử dụng xe máy để gây mất an ninh, trật tự trên phố.

Lệnh cấm xe máy được áp dụng nghiêm ngặt tại Yangon. Bất kì người dân nào đi xe máy trong khu vực cấm sẽ bị phạt tiền và thu giữ phương tiện.

Từ một thành phố sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển chính, Yangon đã thay đổi đáng kể sau lệnh cấm. Tuy nhiên, mặt tích cực nhìn thấy rõ nhất của lệnh cấm xe máy trong nội đô tại Yangon chỉ là giảm thiểu số lượng vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy. Việc vội vàng cấm xe máy trong khi cơ sở hạ tầng lẫn người dân chưa thực sự sẵn sàng khiến Yango đối mặt với nhiều thách thức.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức nghiên cứu độc lập, lệnh cấm xe máy tại Yangon đã lấy đi ‘cần câu cơm’ và ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của nhiều người dân tại đây. Những người chạy xe ôm từng kiếm sống nhờ những cuốc xe quanh nội đô giờ đây phải nhìn chiếc xe của mình nằm hoen rỉ ở góc nhà. Nhiều người trong số họ phải đổi nghề khi lệnh cấm được ban hành. Trong khi đó, một số khác vẫn liều lĩnh “chạy trộm vài cuốc xe”. Thế nhưng số tiền kiếm được chẳng là bao trong khi nỗi lo bị phạt, bắt xe luôn hiện hữu.

Không chỉ người dân, ngay cả những doanh nghiệp cũng bị lệnh cấm này làm khó. Tờ The Economist từng chỉ ra rằng việc cấm xe máy đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty tại đây. Trước kia, các công ty, các cửa hàng bán đồ ăn… có thể giao hàng bằng xe máy thì sau lệnh cấm, họ phải sử dụng đến ô tô, xe tải để vận chuyển hàng hóa. Kết quả là chi phí giao hàng bị đội lên cao trong khi hiệu suất giao hàng thấp hơn vì ách tắc giao thông.

Cuộc sống của nhiều người dân Yangon bị đảo lộn

Cuộc sống của người dân cũng bị đảo lộn theo lệnh cấm. Với những gia đình thu nhập thấp, không có xe máy, họ buộc phải phụ thuộc vào hệ thống giao thông công cộng. Tuy nhiên, trong những năm qua, hệ thống giao thông công cộng tại Yango chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tờ India Times nhận định.

Mặc dù trong những năm qua, chính quyền thành phố Yangon đã nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông cũng như nâng cấp hệ thống giao thông công cộng như đầu tư phát triển hệ thống xe buýt nhanh nhưng người dân vẫn chưa thực sự hài lòng. Một người dân chia sẻ với tờ Economist: “Tôi phát ngán với cảnh ngày nào cũng rời nhà từ 5h sáng, ngồi vật vờ 2, 3 tiếng đồng hồ trên xe buýt mới đến được chỗ làm”.

Lệnh cấm xe máy khiến tình trạng ách tắc giao thông ở Yangon tồi tệ hơn

Với những người có tiền, họ sẵn sàng bỏ ra mua một chiếc ô tô để thay thế cho xe máy. Thế nhưng, có ô tô rồi, họ lại đối mặt với một vấn đề khác: ách tắc giao thông. Những chiếc ô tô tràn ngập đường phố Yangon chen chúc với taxi, xe buýt trong khi cơ sở hạ tầng có phần lạc hậu khiến tình trạng ùn tắc, kẹt xe trở nên trầm trọng hơn. Theo India Times, tốc độ di chuyển trung bình tại Yangon giảm từ 38 km/h vào năm 2007 xuống còn 10 km/h vào năm 2015.

Trở lại với chủ đề cấm xe máy ở các đô thị lớn Việt Nam, theo thống kê tính đến tháng 7/2022, Hà Nội có gần 6,5 triệu xe máy lưu thông trên đường, chưa bao gồm phương tiện của các tỉnh khác di chuyển tại Hà Nội. Nếu đề án cấm xe máy được thực hiện, thì câu hỏi đặt ra là 6,5 triệu người sử dụng xe máy sẽ chuyển sang di chuyển bằng phương tiện gì?. Và liệu hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội đang có đủ đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân hay không?

Thành phố Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến buýt nhanh BRT, 1 tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cùng hệ thống xe buýt hoạt động hết công suất. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện chỉ ở mức 18,5%, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã phần nào giúp nhiều người dân chuyển đổi từ xe máy sang sử dụng vé tháng. Tuy nhiên, tuyến đường sắt này chỉ phục vụ được cho một số nhỏ người dân có lộ trình di chuyển Cát Linh – Hà Đông. Khi muốn di chuyển đến các địa điểm khác, người dân vẫn buộc phải phụ thuộc vào các loại phương tiện khác.

Một nghiên cứu của Đại học Tokyo chỉ ra rằng cần phải có sự nhất quán giữa chính sách cấm xe máy với các chiến lược phát triển hệ thống giao thông công cộng. Nói cách khác, trước khi cấm xe máy, chính phủ nên xem xét và tính đến chuyện giao thông công cộng có đủ đáp ứng cho nhu cầu dài hạn của người dân hay không. Nếu không làm được điều đó thì chưa thể nghĩ đến chuyện cấm xe máy!

Mai Lý/VietnamFinance

Theo VietnamFinance

Ảnh: Hà Nội cần cẩn trọng hơn trước khi thực hiện đề án cấm xe máy

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vietnamfinance.vn/ha-noi-tinh-cam-xe-may-va-bai-hoc-yangon-20-nam-truoc-20180504224285745.htm