Hà Nội: Phương án dự phòng khi xảy ra sự cố về rác thải ở đâu?

GS.TS Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhìn nhận mỗi lần người dân chặn đường vào bãi rác Nam Sơn nội thành lại ngập ngụa rác. Điều này cho thấy phương án dự phòng chuẩn bị và thay thế của thành phố trong công tác xử lý chất thải còn bị động.

Mỗi lần bãi rác Nam Sơn bị “phong tỏa”, nội thành lại ngổn ngang rác

Ghi nhận của PV Lao Động, ngày 17.1, các công nhân vệ sinh môi trường của TP. Hà Nội vẫn đang khẩn trương thu dọn rác thải chất đống mấy ngày qua khi người dân chặn đường xe vào bãi rác Nam Sơn. Sau 3 ngày, tàn dư rác thải còn đọng lại tại những quận nội thành như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm,… khá nhiều.

Một cán bộ vệ sinh môi trường quận Cầu Giấy cho biết, mỗi ngày trên địa bàn quận phải xử lý khoảng 320 tấn rác. Cho tới chiều 16.1, rác thải sinh hoạt tồn đọng lại mới xử lý được 30%. Theo cán bộ này, hiện trên địa bàn quận còn tồn khoảng 1.000 tấn và phải tới cuối tuần mới có thể xử lý hết.

Rác thải ùn ứ, ngổn ngang trong khu vực nội thành Hà Nội khi bãi rác Nam Sơn bị “phong tỏa“. Ảnh: Trần Vương.

Thống kê của PV Lao Động, đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc người dân chặn đường xe vào bãi rác Nam Sơn. Giữa năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành từng khiến người dân bức xúc. Người dân quanh khu vực bãi rác đã từng mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi.

Sau đó khoảng 1 năm, giữa tháng 7.2018, người dân tại đây tái diễn cảnh chặn xe rác vì rác bốc mùi hôi thối không thể chịu nổi.

Khi đó, chính quyền huyện xuống đối thoại, người dân chấp nhận giải tán. Nhưng sau 15 ngày, “điệp khúc” chặn xe lại tiếp tục. Mỗi lần người dân chặn đường xe vào bãi rác Nam Sơn chỉ trong một thời gian ngắn rác thải ở nội thành sẽ ùn ứ, ô nhiễm nặng nề vì không có nơi xử lý.

Hà Nội cần có phương án dự phòng, dự báo tình huống

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, GS.TS Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – nhìn nhận: Vừa qua, một số người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn không chịu nổi việc ô nhiễm môi trường khiến họ phải “phong tỏa” bãi rác này. Việc này là khó tránh khỏi.

Việc chôn lấp đã diễn ra nhiều năm nay và cho tới thời điểm hiện tại bãi rác đã quá tải. Công nghệ xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn giờ đã cũ và không thể theo kịp với lượng rác phát sinh quá lớn của thành phố mỗi ngày đổ dồn về đây. Trong khi đó, khu vực quanh bãi rác lại có quá nhiều cư dân sinh sống, không có vùng cách ly.

Rác ùn ứ, chất đống, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Phan Anh.

Ông Đăng cho rằng, đáng lẽ ra chúng ta phải giải quyết sớm việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực đó để tránh bị ảnh hưởng. Cùng với đó là việc phân loại nguồn rác, ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải cần phải được đầu tư hơn. Việc tuân thủ quy hoạch về vùng cách ly an toàn cho người dân khu vực xung quanh cần được thực hiện nghiêm.

“Đã nhiều lần tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh bãi rác quá kinh khủng khiến người dân lại phải buộc chặn xe chở rác để đối thoại cùng với chính quyền tìm cách xử lý. Chỉ vài cái lều, lán dựng nên, xe chở rác không vào được là khắp các quận nội thành Hà Nội lại ngổn ngang, ngập ngụa trong rác thải.

Điều đó cho thấy phương án dự phòng, thay thế và quản lý rác thải còn rất nhiều vấn đề. Mỗi lần như vậy thành phố lại phải loay hoay đủ kiểu tìm cách xử lý. Với sự cố nhỏ chúng ta đã bị động như vậy vậy còn những sự cố lớn hơn nếu xảy ra thì chúng ta phải xử lý như thế nào?” – GS.TS Phạm Ngọc Đăng đặt câu hỏi.

Vương Trần – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Mỗi lần người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn là nội thành lại bị ùn ứ rác thải.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/xa-hoi/ha-noi-phuong-an-du-phong-khi-xay-ra-su-co-ve-rac-thai-o-dau-652637.ldo