Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng vì khói rơm rạ

Những ngày gần đây, các huyện ngoại thành Hà Nội bước vào mùa thu hoạch lúa, đây cũng là thời thời điểm “nạn” đốt rơm rạ diễn ra khiến khu vực nội thành ô nhiễm nặng.

“Đến hẹn lại đốt”

Những ngày qua, hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận diễn biến chất lượng không khí xấu đi tại nhiều điểm đo của Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào chiều tối và đêm muộn. Vào buổi sáng, chất lượng không khí được cải thiện. Qua khảo sát, chất lượng không khí của Hà Nội trở nên ô nhiễm nghiêm trọng là do khoảng 1 tuần trở lại đây, ở khu vực ngoại thành, người dân đã đốt rơm rạ quá nhiều sau khi thu hoạch lúa, khiến khói bụi lan từ ngoại thành vào nội thành, kết hợp với nắng nóng trong những ngày qua làm không khí ô nhiễm.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Môi trường, tại các khu vực nông thôn, sau khi gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ đốt vào buổi tối. Vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại trong khoảng thời gian từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.

Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau. Tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng bụi mịn PM2.5 vào ban đêm.

Tại khu vực nội thành Hà Nội, dù hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp nhưng trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Một số khu vực diễn ra hoạt động đốt rơm trực tiếp như tại tỉnh Bắc Ninh, hàm lượng bụi mịn rất cao, thậm chí cao hơn khu vực nội thành Hà Nội.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong những ngày vừa qua là quá trình đốt không kiểm soát và đốt không cháy hoàn toàn nên dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

“Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở… Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông”, ông Đăng nhấn mạnh.

GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 – 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện”.

Tăng cường giám sát đốt rơm rạ 

Để giải quyết thực trạng trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản và thực hiện các giải pháp để chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ như Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.”

Theo đó, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội cũng đã có Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc “tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố;” Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về “tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.”

Tuy vậy, theo ghi nhận của Tổng cục Môi trường thì tình trạng đốt rơm rạ đến nay vẫn còn diễn ra tại nhiều nơi.

Vì thế, đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng trong những ngày tới mùa vụ vẫn chưa kết thúc, nếu không có sự tuyên truyền, quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, hoạt động đốt rơm rạ tự phát sẽ còn xảy ra, thậm chí ô nhiễm không khí có thể diễn biến phức tạp.

Do đó, Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần tiếp tục theo dõi thông tin công bố về chỉ số ô nhiễm không khí AQI để có các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các giải pháp đưa ra nhưng khó triển khai trong thực tế, ví dụ như cấm đốt và xử phạt nhưng thực tế việc xử phạt những người nông dân đốt rơm rạ rất khó. Một số giải pháp khác kỹ thuật, kinh tế cũng được đề ra nhưng không bền vững, không cụ thể với từng xã, thôn.

“Thật khó thuyết phục bà con bỏ tiền ra mua chế phẩm sinh học để ủ rơm ngoài đồng, hay thuê người thu gom rơm rạ về nhà làm nấm trong khi thu nhập từ lúa rất ít”, TS Tùng chia sẻ và cho biết thêm, chừng nào nông dân không bán được rơm rạ, không bán được nấm trong khi phải giải phóng ruộng cho vụ sau thì họ còn đốt vì đó là biện pháp nhanh, hiệu quả và không tốn kém.

Hà Lan – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế & Môi trường

Ảnh: Tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến trong những ngày vừa qua.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-o-nhiem-khong-khi-nghiem-trong-vi-khoi-rom-ra-56220.html