Hà Nội muốn dùng ‘biện pháp mạnh’ chưa có trong luật xử lý công trình vi phạm

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội muốn được quyền yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô sửa đổi và xin ý kiến các đơn vị liên quan một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Hà Nội đề xuất được áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô.

Nội dung này, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, tập thể Chính phủ mặc dù còn có ý kiến khác nhau nhưng cơ bản Chính phủ thống nhất theo đề xuất của Hà Nội. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, người dân và giao dịch dân sự. Do đó, Ban soạn thảo đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về vấn đề này.

Theo đề xuất của Hà Nội, các trường hợp bị cắt điện, nước, gồm: Công trình xây dựng không phép, trái phép; công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, thẩm định, nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì sẽ ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể (người dân và doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước), đồng thời ảnh hưởng đến đời sống của các cá nhân không vi phạm hành chính (ví dụ áp dụng biện pháp tạm ngừng sử dụng dịch vụ điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư nhưng người dân lại là người có quyền, lợi ích liên quan).

Đây cũng là vấn đề đã được đưa ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô năm 2012 và cũng là vấn đề gây ra nhiều tranh luận khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2013 với mong muốn tạo đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Sau hơn 10 năm thực hiện, luật bộc lộ nhiều hạn chế…

Theo kế hoạch, dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023.

B.H.Thanh – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Nhiều công trình kiên cố nằm bên mép hồ Đồng Đò có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: HỮU HƯNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/ha-noi-muon-dung-bien-phap-manh-chua-co-trong-luat-xu-ly-cong-trinh-vi-pham-20230902162527879.htm