Hà Nội không khí ô nhiễm nặng do giao thông, xây dựng

Theo báo cáo ‘Chất lượng không khí toàn cầu 2018’ do IQAir AirVisual hợp tác với Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) Đông Nam Á vừa công bố, Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, sau Jakarta (Indonesia). Nguyên nhân là thời tiết kết hợp ô nhiễm do khói bụi giao thông, phá dỡ công trình xây dựng.

Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chỉ số AQI được chia ra làm 5 nhóm gồm nhóm từ 0-50 (không khí tốt), từ 51-100 (không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian bên ngoài), từ 101-200 (không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài), từ 201-300 (không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác hạn chế ra ngoài) và từ 300 trở lên không khí thuộc ngưỡng nguy hại, tất cả mọi người nên ở trong nhà.

Cuối tháng 1/2019, thành phố trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi chỉ số AQI thường xuyên ở mức xấu, thậm chí lên ngưỡng nguy hại – mức ô nhiễm nhất trong bảng đánh giá chất lượng không khí.

Trao đổi với báo chí, GS.TS Phạm Ngọc Hồ, Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, môi trường không khí ở Hà Nội ô nhiễm do nhiều nguyên nhân như: Quá trình đô thị nhanh với mật độ công trình xây dựng quy mô lớn; sự gia tăng dân số cơ học; lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh… Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các số liệu quan trắc nhiều năm tại các trạm quan trắc cũng ảnh hưởng rất lớn đến cảnh báo ô nhiễm.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, chất lượng không khí 3 tháng đầu năm 2019 so với các năm trước có xu hướng giảm. Nguyên nhân là thời tiết và ô nhiễm do khói bụi giao thông, phá dỡ công trình xây dựng.

Ngoài ra, thành phố còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc. Gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.

33 trạm quan trắc không khí vào năm 2020

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, một số chuyên gia môi trường cho rằng Hà Nội cần sớm ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm tình trạng xây dựng không che chắn, để bụi bặm phát tán ra môi trường. Ngoài ra, xây dựng ý thức tham gia giao thông bằng những chương trình như: Tắt máy khi không cần thiết, khuyến khích đi bộ… Mặt khác, vẫn phải duy trì, và triển khai thêm các trạm quan trắc không khí tự động.

Đặc biệt, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Theo nghiên cứu, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục đã tham mưu với Sở TN&MT kiến nghị và được Thành ủy, UBND Hà Nội chấp thuận mở rộng từ 10 trạm quan trắc không khí lên 33 trạm trong thời gian từ 2019 đến 2020.

Sau khi có 33 trạm quan trắc này sẽ kịp thời thông tin, dự báo và cảnh báo về chất lượng không khí để các cơ quan chức năng, du khách và người dân được biết để hưởng ứng và thực hiện góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Thời gian qua, Chi cục Môi trường Hà Nội cũng đã rất chủ động phối hợp với Tổng cục Môi trường mà trực tiếp là Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường miền Bắc để hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Hiểu Minh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Không khí Hà Nội ô nhiễm do khói bụi giao thông và xây dựng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-khong-khi-o-nhiem-nang-do-giao-thong-xay-dung-1395918.tpo