Sáng 15/3, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội TP Hà Nội đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Tới dự có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
Ông Phạm Đình Tuấn – Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội TP Hà Nội cho biết, Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện nay nằm trên phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) đã được xây dựng từ năm 1973 với tên gọi Câu lạc bộ thiếu niên Hà Nội. Đến năm 1985 được cải tạo, mở rộng thành Cung thiếu nhi.
Hàng năm, Cung Thiếu nhi Hà Nội thu hút khoảng 30.000 em thiếu nhi đến sinh hoạt, học tập, hàng trăm nghìn lượt thiếu nhi đến vui chơi; tổ chức khoảng 20 cuộc thi cấp TP; đón và giao lưu với 15 – 20 đoàn khách quốc tế.
“Hiện Cung Thiếu nhi đã phải tận dụng hết các diện tích trống để tăng thêm diện tích phòng học. Một số lớp còn phải bố trí ngoài hiên, sảnh, lô gia… Chính vì vậy việc xây dựng Cung Thiếu nhi mới có ý nghĩa rất quan trọng” – ông Phạm Đình Tuấn chia sẻ.
Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội tại Khu công viên hồ điều hòa CV1, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm đã được UBND TP phê duyệt từ năm 2014, điều chỉnh vào tháng 10/2020.
Cung Thiếu nhi Hà Nội mới sẽ được xây dựng trên lô đất rộng 39.631m2, diện tích 10.280m2, tổng mức đầu tư trên 1.376 tỷ đồng; có nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D – 4D, nhà thi đấu 500 chỗ, thưu viện, Tháp Thiên văn…
Cung Thiếu nhi Hà Nội mới sẽ được xây dựng theo thiết kế kiến trúc mang phong cách hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị thông minh, chất lượng cao, nhằm mang lại cảm giác tiện nghi, thoải mái nhất cho thanh thiếu niên học tập, vui chơi.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chia sẻ, trong những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt các công trình phục vụ hoạt động học tập, luyện tập thể thao và vui chơi cho thanh, thiếu nhi Thủ đô. Nghị quyết Đảng bộ TP khóa XVII đã nêu rõ, một trong ba khâu đột phá là: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020 – 2025 cũng đã xác định: TP quyết tâm phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô.
Dự án xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của TP giai đoạn 2020 – 2025 và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP (17/3/1930 – 17/3/2021), là việc làm khẳng định tính hành động cao của TP trong cụ thể hóa 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025; là món quà ý nghĩa dành tặng cho thanh thiếu nhi Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021).
Thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội cùng các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, quy trình xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình và đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đưa dự án hoàn thành và vượt tiến độ.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội Nguyễn Ngọc Tường đã cam kết sẽ tập trung thực hiện Dự án với quyết tâm cao nhất, đảm bảo chất lượng, an toàn; đồng thời nỗ lực hoàn thành vào năm 2023, vượt tiến độ đề ra (hoàn thành năm 2024) để đáp ứng nhu cầu vui chơi, đào tạo cho thanh thiếu niên Thủ đô.
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Cung Thiếu nhi Hà Nội mới được xây dựng hiện đại, gần gũi với thiên nhiên.
Xem bài viết gốc tại đây: