Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – Chu Phú Mỹ cho biết, kể cả trước mắt và lâu dài, để giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, song song triển khai thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý, sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ đồng hành với các địa phương tiếp tục ứng dụng các biện pháp quản lý về phế phụ phẩm nông nghiệp có hiệu quả, hướng đến xây dựng mô hình nông nghiệp không chất thải.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, diện tích gieo trồng cây hàng năm của TP trung bình khoảng 244.560ha, trong đó, diện tích trồng lúa chiếm tỷ lệ nhiều nhất trên 171.700ha, tiếp đến rau các loại 33.851ha, ngô 15.602 ha, hoa các loại 5.932ha…Diện tích cây lâu năm 22.363 ha gồm: Cây ăn quả 18.899,8ha, chè 2.459ha, cây lâu năm khác 977ha.
Theo tính toán, lượng vật tư sử dụng để bón cho 1 ha canh tác trồng lúa: 140-190kg Urê, 415-557kg lân, 140-167kg kali, 1-7 tấn phân chuồng, 150-695kg NPK, 30-555kg phân hữu cơ vi sinh.
Đối với vật tư nông nghiệp để bón cho 1 ha trồng rau: 140-170kg Urê cho rau ăn lá, 170-220kg Urê cho rau ăn quả; 140-220kg lân cho rau ăn lá, 280-340kg lân cho rau ăn quả; 90-100kg kali cho rau ăn lá, 200-220kg kali cho rau ăn quả; 5,5 tấn phân chuồng cho rau ăn lá, 9,8-11 tấn phân chuồng cho rau ăn quả; 560-700kg NPK cho rau ăn lá, 1.100-1.300kg NPK cho rau ăn quả; 700-850kg phân hữu cơ vi sinh cho rau ăn lá, 1.100-1.300kg phân hữu cơ vi sinh cho rau ăn quả.
Đối với vật tư để bón cho 1ha trồng cây ăn quả: 120-180kg Urê, 560-900kg lân, 500-800kg kali, 8-10 tấn phân chuồng, 800-900kg NPK, 400-650 phân hữu cơ vi sinh.
Ngoài ra, trung bình mỗi năm, nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp của TP Hà Nội phát sinh khoảng 900.403 tấn rơm rạ, 180.073 tấn trấu, 90.037 tấn cám và 205.650 tấn thân lá từ cây ngô, 41.467 tấn thân lá cây đậu tương…
Ngoài phụ phẩm là các chất hữu cơ như thân lá, cành, rơm, rạ, phân bón, hóa chất, trong sản xuất trồng trọt còn có một lượng phế thải vô cơ rất khó xử lý và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là các loại vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Theo số liệu điều tra của các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các quận, huyện, thị xã, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã thu gom năm 2019 là 137.32kg, trong đó, đã xử lý 88.073kg và 49.983kg chưa xử lý. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2020 là 113.571kg, đã xử lý 29.983kg và 83.588kg chưa xử lý.
Với lượng lớn phế phẩm, hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thải ra khiến mức độ gây ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất ở một số nơi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức.
Các biện pháp xử phạt ô nhiễm môi trường còn hạn chế, việc tuyên truyền phổ biến các văn bản luật chưa kịp thời, sâu rộng và sự thực thi chưa được triệt để. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nông dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường chưa cao.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội – Chu Phú Mỹ, để giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, song song triển khai thực hiện tốt các chính sách, quy định về quản lý, sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đơn vị chức năng TP cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục các sơ hở thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, trong đó, cần tập trung phòng, chống các hành vi vi phạm phổ biến về quản lý chất thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất, chất cấm, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ khuyến cáo, tuyên truyền nông dân nên sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật ít độc, phân hủy nhanh, ít ảnh hưởng đến môi trường, nên sử dụng các loại thuốc đặc hiệu có nguồn gốc vi sinh, sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Sử dụng các loại vi sinh vật vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, vừa cải thiện hệ vi sinh vật đất, nâng cao chất lượng đất canh tác.
Khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm đồng ruộng làm phân bón cho cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón. Xây dựng mô hình nông nghiệp không chất thải.
Theo Pháp luật & Xã hội
Ảnh: Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP còn những hạn chế đã và đang tác động xấu đến môi trường.(ảnh: TL)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-huong-den-mo-hinh-nong-nghiep-khong-chat-thai-229490.html