Việc Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải tại 12 quận, thị xã đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, khó khả thi.
Giá dịch vụ thoát nước được tăng dần theo lộ trình
Mới đây, HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10, trong đó có việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá dịch vụ thoát nước được đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch.
Cụ thể, năm thứ nhất thu bằng 10% giá nước, năm thứ 5 thu khoảng 35%. Mức giá thành phố đưa ra thấp hơn các tỉnh thành đang thực hiện, cụ thể Đà Nẵng 15%; Nha Trang 30-40%; Bắc Ninh 25-38% và Hải Phòng 20%.
Với giá nước sinh hoạt của Hà Nội hiện là 5.973 đồng/m3, hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 (chiếm 50% tổng hộ gia đình) phải trả theo phương án đề xuất gần 6.000 đồng/tháng (10%) đến hơn 21.000 đồng/tháng (35%). Tuy nhiên, thành phố đang được rà soát tăng giá nước sạch do nhiều doanh nghiệp cung cấp nước cho rằng mức giá áp dụng từ 1/10/2015 đến nay quá thấp.
Đề án thu giá dịch vụ thoát nước của Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện Hà Nội có 31 nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch nhưng đến nay mới chỉ có 6 nhà máy đi vào hoạt động và chỉ đáp ứng được khoảng 28% khối lượng nước thải cần xử lý. Điều này đã và đang khiến công tác xử lý nước thải trở thành vấn nạn lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo đó, nhiều ý kiến đồng tình, song cũng có ý kiến bày tỏ quan điểm, cần đánh giá tác động xã hội, thời gian áp dụng, cũng như nguồn thu đó sẽ được sử dụng vào đâu, như thế nào cho hợp lý? Hay như có phương án nào khác khả thi hơn?
Điều hòa xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, việc xây dựng đề án giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được thực hiện theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định này quy định chuyển phí thoát nước thành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải (gọi tắt là giá dịch vụ thoát nước), từng bước hướng tới mục tiêu thu sẽ phải đủ bù chi, giảm áp lực cho ngân sách, đồng thời tăng ý thức người dân thông qua việc đóng góp và duy trì công trình thoát nước.
Cũng theo Điều 43 nghị định 80/2014/NĐ-CP quy định về phương thức thanh toán tiền dịch vụ thoát nước, hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Quy định như vậy đã góp phần bảo đảm quyền lợi của người dân, không để người dân phải thanh toán cả phí dịch vụ thoát nước và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Hơn nữa, chủ trương thu phí xử lý nước thải không phải mới và của riêng Hà Nội mà đã được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh thông qua Quyết định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025.
Mặc dù việc triển khai này so với các nước trong khu vực khá là muộn. Tuy nhiên, đây là động thái rất đáng trân trọng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đất ở Việt Nam.
Thuế, phí môi trường là những công cụ kinh tế tác động vào chi phí để mọi thành viên của xã hội thay đổi hành vi ứng xử theo hướng có lợi cho môi trường. Trong đó, mức thu bao nhiêu sẽ được Nhà nước tính toán dựa trên quy mô tác động hay thiệt hại môi trường.
Với chức năng quản lý và điều tiết xã hội, Nhà nước sẽ dùng các khoản thu này nhằm khắc phục ô nhiễm, cải tạo môi trường để duy trì chất lượng môi trường và giữ cân bằng sinh thái. Đây là cách thức mà Nhà nước điều hòa xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Có thể tạo gánh nặng cho dân
Mặc dù đề xuất được đưa ra hướng tới mục tiêu thu sẽ phải đủ bù chi, giảm áp lực cho ngân sách, đồng thời tăng ý thức người dân thông qua việc đóng góp và duy trì công trình thoát nước. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Tiền, mức phí bằng 10 – 35% giá nước sạch, tương ứng từ 6.000 đến 16.000 đồng/hộ/tháng nếu sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3 với nhiều gia đình là số tiền nhỏ. Nhưng khi kết hợp với những khoản chi phí khác của từng gia đình có thể tạo gánh nặng cho người dân nhất là những người nghèo mặc dù đã có chính sách hỗ trợ.
“Do đó, các cơ quan quản lý cần xem xét mức phí cũng như thời gian áp dụng loại phí này để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích Nhà nước và quyền lợi của người dân. Đồng thời phải có cơ chế giám sát việc quản lý và sử dụng sao cho đúng mục đích để nguồn thu này góp phần hiệu quả vào hoạt động quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cống, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải, bùn thải” – luật sư Tiền nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo luật sư Tiền, việc tăng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải như trên khó khả thi. Bởi nguồn thu được từ người dân sẽ không đủ bù vào khoản đầu tư, duy tu, xử lý nước thải, chống ngập.
Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, đối với nguồn thu từ dịch vụ thoát nước sẽ để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả cho chi phí dịch vụ đi thu, thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo luật sư, thực tế hiện nay, hệ thống xử lý nước thải không nhiều, nước thải thường được xả thẳng ra hệ thống xử lý nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh gây ra tình trạng ô nhiễm. Rõ ràng là với mục đích sử dụng nguồn thu từ người dân như trên, thì việc đảm bảo giải quyết vấn đề thoát nước trong mùa mưa lũ, xử lý nước thải vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Nếu không giải quyết được thì có thể gây ra tranh cãi, xảy ra tình trạng người dân không đồng ý nộp loại phí này.
Hà Nội dự kiến thu tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải tại 12 quận, thị xã gồm hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan hành chính như: Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông và 9 phường của thị xã Sơn Tây. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ một phần hoặc miễn nộp giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Hiện thành phố thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt (10% giá bán một m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Khi thu giá dịch vụ thoát nước, 12 quận và 9 phường của thị xã Sơn Tây sẽ không phải nộp loại phí trên, địa bàn còn lại tiếp tục nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. |
Đỗ Nga – Báo Công Thương
Theo Công Thương
Ảnh: Giá dịch vụ thoát nước được đề xuất tăng dần theo lộ trình 5 năm và thu thông qua giá nước sạch
Xem bài viết gốc tại đây:
https://congthuong.vn/ha-noi-du-kien-thu-tien-dich-vu-thoat-nuoc-12-quan-kho-kha-thi-230938.html