Dự báo năm nay vẫn là một năm có diễn biến thời tiết bất thường, phức tạp. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn, kèm theo đó là những trận mưa lớn bất thường có xu hướng tăng dần từ 5-10% có thể xảy ra. Kể từ trận ngập lụt lịch sử năm 2008, Hà Nội đã chi 15.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm. Thế nhưng đến nay, cứ mưa lớn là nhiều khu vực ở nội đô lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông. Vậy, giải pháp tổng thể nào có thể giúp Hà Nội thoát ngập?
Từ những con phố hóa thành sông…
Thành phố Hà Nội thường xuyên bị ngập khi có mưa trong những năm gần đây. Mưa lớn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt ở Hà Nội. Hệ thống hạ tầng hiện chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50 mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50mm đến 100 mm, hệ thống tiêu thoát không đáp ứng, xuất hiện rất nhiều điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. Với những trận mưa trên 100 mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập mới.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Thành phố Hà Nội hiện nay được mở rộng có diện tích hơn 3.344 km2, gấp gần 4 lần diện tích thành phố Hà Nội cũ. Các khu đô thị đang ngày càng được mở rộng tuy nhiên hạ tầng tiêu thoát nước chưa được đầu tư tương xứng nên việc ngập lụt, đặc biệt là các khu mới, khu đang phát triển.
Các công trình đầu mối tiêu thoát nước mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo các quy hoạch. Các trục tiêu thoát nước chính như sông Nhuệ, Tích, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Cầu Bây và các kênh tiêu nhánh chưa được nạo vét, mở rộng theo yêu cầu, chưa đảm bảo năng lực tiêu thoát nước theo thiết kế.
Các chuyên gia, nhà khoa học thủy nông của Viện Khoa học Thủy lợi cho rằng, biến đổi khí hậu được coi là nguyên nhân dẫn đến các trận mưa cực đoan. Hiện nay lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, thời gian mưa dài trên một diện rộng và có những ngày có những cơn mưa có vũ lượng cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập lụt ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập.
Tầm nhìn của quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn hạn chế; quy hoạch không đồng bộ thiếu liên kết vùng; công tác dự báo chưa tính đến biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải… Đô thị hóa thiếu kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng ngập lụt đô thị.
Việc xây dựng đô thị với mật độ cao tại vùng ven đô, vốn trước kia sử dụng cho mục đích nông nghiệp hoặc là những vùng thấp trũng chứa nước có chức năng điều hòa nước tự nhiên, là nguyên nhân chính dẫn tới ngập lụt. Trong đô thị diện tích hồ, ao và kênh, rạch bị san lấp tăng lên khiến cho khả năng chứa nước tại chỗ của khu vực này giảm xuống. Quá trình đô thị hóa với nhu cầu xây dựng tăng cao đã và đang dẫn tới các sự biến mất của nhiều kênh, rạch, các hồ, ao trong đô thị. Theo số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn 2015 – 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị của Thủ đô đã giảm 203,6 ha.
Vào cao điểm mưa lớn, khu vực khu đô thị Geleximco A Lê Trọng Tấn nhiều đoạn ngập sâu 30 – 40 cm, nước tràn vào cửa nhà dân. Trong khuôn viên khu đô thị, nhiều xe ô tô đỗ trên vỉa hè bị ngập ngang bánh, không thể di chuyển, nhiều xe chết máy nằm trên đường.
Tương tự, giống như tình trạng ở khu đô thị Geleximco, tại khu đô thị An Khánh cũng “hóa vịnh” khi nước ngập sâu, nhiều điểm ngập đến nửa người, khiến mọi hoạt động của cư dân phải dừng lại, cuộc sống đảo lộn. Nhiều người thậm chí… tung ảnh bơi thuyền lên các trang mạng, thu hút sự chú ý lớn.
Cũng trong những ngày qua, tại đường Đàm Quang Trung (gần nút giao Cổ Linh, Long Biên) nước dâng cao gây ngập sâu. Công ty Thoát nước Hà Nội đã huy động xe chuyên dụng cùng công nhân để lập rào chắn, tiến hành bơm tiêu thoát nước tại tuyến đường này.
Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các đơn vị thoát nước trên địa bàn TP đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời các điểm ngập. Tại nhiều điểm nóng, các đơn vị thoát nước đã huy động 100% nhân lực, thiết bị ứng trực mở ga, bơm tiêu thoát nước, mở miệng cống thu nước vào hệ thống.
Cùng với đó là huy động các loại máy bơm di động, hệ thống phản lực tạo áp tăng cường thoát nước, mở cửa trữ nước hồ điều hòa, vận hành bơm 100% công suất để rút ngắn thời gian và mức độ úng ngập trên địa bàn…, tạo điều kiện để cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “bài toán” chống ngập cho khu vực nội thành Hà Nội vẫn còn rất nan giải, trong bối cảnh hạ tầng ngầm, hệ thống ao hồ thiếu liên kết, nhiều hồ điều hòa nước chưa thực sự hiệu quả, tình trạng cống ngầm ngập rác gây tắc nghẽn…
…Đến lời giải từ quy hoạch?
Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh mới đây cũng nêu ra nguyên nhân gây ngập úng hiện nay là do việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chưa tính toán thật sát với tốc độ phát triển đô thị: “Trước đây quy hoạch của chúng ta chưa được làm bài bản, trong đó có quy hoạch đánh giá tác động môi trường. Quy hoạch của chúng ta chủ yếu làm về quy hoạch phát triển đô thị, các hạ tầng dịch vụ, dân cư nhưng chúng ta chưa tính thật sâu, thật sát đến định hướng lâu dài. Chúng ta phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó đề nghị nâng cấp hệ thống thoát nước của các đô thị”.
Theo cơ quan chức năng, trong những năm vừa qua, Hà Nội đã đầu tư 15.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm, cải tạo hồ chứa nước trong các quận nội thành và khu vực phía tây. Đơn cử, các dự án thoát nước cho khu vực nội thành, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông cũng được đầu tư 7.400 tỷ đồng để chống ngập cho phía tây. Thế nhưng hiệu quả chưa rõ rệt.
UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 166 với nhiều giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thoát nước để khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn thành phố. Với Kế hoạch 166, hàng loạt giải pháp được UBND TP. Hà Nội đặt ra nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thoát nước để khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Thủ đô cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cập nhật và lồng ghép vào đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đồng thời, lập kế hoạch phát triển hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị giai đoạn 2026 – 2030.
Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 3 dự án đang triển khai: Hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh); Xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch (huyện Đông Anh); Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố.
Bên cạnh đó là sớm hoàn thành 5 dự án đang chuẩn bị đầu tư: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ; Xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh (quận Long Biên); Chống úng ngập cục bộ cho các quận nội đô và một số huyện ven đô; 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ triển khai dự án xây dựng bể điều tiết ngầm tại khu vực ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa – Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất và được UBND TP thống nhất chủ trương.
Song song với các giải pháp trên, kế hoạch của UBND TP cũng nêu rõ, những địa bàn đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh theo lưu vực Tô Lịch (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân) sẽ tập trung phát huy hiệu quả tiêu thoát nước của hệ thống hiện có, đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối.
Thành phố đặt mục tiêu đảm bảo thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày và 70 mm/h tại khu vực đã được cải tạo theo Dự án thoát nước cải thiện môi trường Hà Nội. Cũng tại Kế hoạch số 166, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý khắc phục tình trạng úng ngập khi mưa, đặc biệt đối với khu vực đô thị; giảm thiểu các điểm úng ngập cục bộ cả về chiều sâu và thời gian úng ngập.
Theo nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Thủy lợi, hiện nay để ứng phó với vấn đề ngập lụt đô thị, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang áp dụng các biện pháp bao gồm: Tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên.
Ở Hà Lan, Room for the River là một kế hoạch thiết kế của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề lũ, ngập lụt, tạo cảnh quan tổng thể và cải thiện điều kiện môi trường ở các khu vực xung quanh các con sông của Hà Lan. Dự án hoạt động từ năm 2006–2015. Nhằm giúp Thủ đô Tokyo không bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một trong những hệ thống ngầm chống ngập lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm có tên Kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị (G-cans) của Nhật Bản được ví như một chiếc phễu, hứng nước từ các khu vực chung quanh rồi đổ ra sông Edogawa qua một đường hầm dài 6,3 km, nằm sâu 50 m dưới lòng đất. Ngoài các giải pháp công trình thì hiện nay trên thế giới đang áp dụng nhiều giải pháp phi công trình khác trong giải quyết bài toán ngập lụt, úng đô thị.
Ở Hà Nội, cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Nhà báo & Công luận
Xem bài viết gốc tại đây: