Hà Nội: Chung cư cũ ‘nát’ vì… thiếu đồng thuận

Hà Nội hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ. Việc cải tạo các chung cư này là một miếng bánh khó xơi.

Sáng 12/4 diễn ra Hội thảo “Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” tiếp tục xới ra vấn đề này ra để tìm… giải pháp.

Dân không đồng thuận

Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tổ chức. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương, thành phố hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ. Các chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 – 1992 với kết cấu tường gạch, bê tông lắp ghép. Đặc biệt, các chung cư cũ tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Cụ thể, tại quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm 120 nhà, quận Đống Đa 438 nhà và quận Hai Bà Trưng có 293 nhà. Hầu hết các căn hộ đã được bán cho người dân theo Nghị định 61/CP của Chính phủ.

Trong quá trình sử dụng, nhiều hộ dân tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm (cấp độ D) an toàn kỹ thuật kết cấu công trình. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ là rất cần thiết, trong đó các nội dung về quy hoạch kiến trúc là một trong những khâu quan trọng để bảo đảm hiệu quả, khả thi.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đến năm 2016, thành phố hoàn thành xây dựng lại được nhà B7, B10 khu tập thể Kim Liên bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Các nhà I1, I2, I3 Thái Hà, 187 Tây Sơn, P3 Phương Liệt, B4, B14 Kim Liên; A6, C7, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công được xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Mô hình xây dựng mới toàn khu tập thể Nguyễn Công Trứ từ nhà A2, A3 thành nhà N3 theo mô hình Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm.

Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tiến độ cải tạo chung cư cũ còn chậm do nhiều nguyên nhân như nguồn lực tài chính thực hiện còn khó khăn, cần phải huy động các nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo cơ chế, chính sách của thành phố chưa được người dân đồng thuận.

Tránh tùy tiện “xóa cũ đẻ mới”

Theo GS Đặng Hùng Võ, nhiều nước trên thế giới, nhà đã là của người dân thì khi xuống cấp phải tự bỏ tiền ra cải tạo. Tuy nhiên, ở Việt Nam do thu nhập của người dân còn thấp nên khi nhà xuống cấp trông chờ vào ngân sách để cải tạo, xây dựng lại là bất cập cả về thực tiễn và lý thuyết. Để công cuộc cải tạo chung cư cũ có kết quả thì các quy định của luật cần phải điều chỉnh.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì cho rằng, công tác quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ cần có cơ chế đặc thù. Cần sửa chữa đổi mới một số văn bản quy hoạch pháp luật. Tiếp đó là những chính sách ưu đãi vốn vay, thí điểm cải tạo từ vốn ngân sách.

“Quy hoạch cải tạo, tái thiết khu chung cư cũ phải được lập quy hoạch cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch. Các đồ án QHCT đã lập cần công bố công khai, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực quy hoạch và ý kiến rộng rãi của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Từ đó, thẩm định phê duyệt có tính đến cân đối, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và cộng đồng không chỉ trong khu vực lập quy hoạch mà còn có thể cân đối trong phạm vi toàn thành phố…”, TS.KTS Nghiêm nói.

Theo ThS.KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội từ năm 2015 đến nay, thành phố tiếp tục chủ trương xây dựng lại các “khu tập thể” nhất là các khu có nhà nguy hiểm cấp D, nguy cơ cao sụp đổ và đã thực hiện xây dựng lại được 14 nhà chung cư trên địa bàn thành phố.

Theo ông Huy, công tác lập quy hoạch cần kiểm tra, đánh giá lại giá trị, chất lượng và phân loại các dãy nhà tại các “Khu tập thể”. Đề xuất mức độ cải tạo trên phương diện đồng bộ từng cụm nhà. Tránh việc cải tạo đơn lẻ và tùy tiện hoặc xóa bỏ tất cả để dựng lên những “khu tập thể” mới

“Cùng với việc phát triển và xây dựng các khu chung cư mới hiện đại, các khu tập thể cũ của Hà Nội được cải tạo và giữ gìn phù hợp để có thể vừa lưu giữ hình ảnh một thời của Hà Nội, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân đang sinh sống tại đây…”, ông Huy hy vọng.

Các chuyên gia tham luận tại hội thảo nhất trí cao khi đưa ra 4 nhóm đề xuất thúc đẩy tiến trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, thành phố cần nhận diện khách quan về tồn tại và đề xuất đồng bộ các giải pháp thực hiện giai đoạn 2021 – 2025. Song song đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong văn bản pháp luật, thống nhất với Bộ Xây dựng để báo cáo với Chính phủ về cơ chế đặc thù trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố cần phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, tránh cải tạo đơn lẻ và đền bù trong tái định cư và di rời.

Hội thảo thống nhất với đề xuất hỗ trợ đền bù diện tích tái định cư từ 1,5 – 2 lần. Trong trường hợp tái định cư tại vị trí ngoài vành đại 3 hoặc chủ sở hữu thuộc diện ưu đãi về nhà ở thì được đền bù trên 2 lần theo thỏa thuận với chủ đầu tư.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, các ý kiến của các đơn vị sở ngành, góp ý của các chuyên gia… sẽ được tổng hợp báo cáo thành phố Hà Nội xem xét.

Thí điểm tháo “chuồng cọp”

Anh Nhật Quang (Tập thể C5 Trung Tự, quận Đống Đa) chia sẻ: “Nhà mình chỉ cơi nới thêm 1 đến 2 mét vuông để làm chỗ phơi quần áo và trồng hoa cho mát mẻ. Có nhiều hộ còn làm thêm cả 1 phòng ngủ vì nhà 2, 3 thế hệ.

Ai cũng biết là không đúng quy định. Nhưng, tập thể cũ nhà rất bé, chỉ có 1 nhà vệ sinh, 1 phòng khách và 1 phòng ngủ nên rất chật chội. Vì điều kiện kinh tế nên không thể chuyển đi nơi khác nên cố bám trụ…”.

Theo Công an quận Thanh Xuân, các nhà tập thể cũ có đặc điểm chung đều được xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Vì vậy, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chắp vá, thiết bị điện nước… thiếu đồng bộ.

Cùng với đó, các căn hộ trong nhà tập thể cũ thường có diện tích nhỏ hẹp, nhiều gia đình đã gia cố thêm phần “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Chính việc gia cố tùy ý như vậy lại dẫn đến nhiều nguy cơ khi bất ngờ xảy ra cháy, nổ.

Trên cơ sở đặc điểm tình hình địa bàn, Công an quận Thanh Xuân đã thí điểm việc phá “chuồng cọp”. Cụ thể, các hộ gia đình chung cư cũ tự mở lối thoát tại những khu vực người dân cơi nới ở 2 địa bàn phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam.

Đăng Chung – Báo GD&TĐ

Theo Giáo dục & Thời đại

Ảnh: Hình ảnh chung cư cũ trên địa bàn phường Trung Tự, quận Đống Đa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/ha-noi-chung-cu-cu-nat-vi-thieu-dong-thuan-HuT8HSXGg.html