Nhiều văn bản chỉ đạo của chính quyền nhưng Hà Nội vẫn cháy liên tiếp khiến nhiều người chết, chuyên gia cho rằng đã đến lúc người đứng đầu cấp nào đó phải từ chức.
Tối 16/6, ngôi nhà 6 tầng một tum ở số 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cháy dữ dội trong mưa lớn. Sau khi dập tắt đám cháy, lực lượng chức năng phát hiện 4 thi thể.
Vụ hỏa hoạn xảy ra khi nhiều người vẫn chưa hết ám ảnh với vụ cháy nhà trọ nằm sâu trong ngõ nhỏ ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) khiến 14 người chết cách đây chưa đầy một tháng.
Hồi tháng 9/2023, vụ cháy thảm khốc tại chung cư mini phố Khương Hạ cướp đi mạng sống của 56 người cũng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.
5 vụ cháy, 81 người thiệt mạng chỉ trong hơn 9 tháng. Và sau mỗi vụ việc, chính quyền Hà Nội lại ra công văn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng đến nay, vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy bất kỳ một vị cán bộ nào xin từ chức, dù chỉ là công chức cấp phường.
Truy trách nhiệm, nhưng chưa ai từ chức
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá, cấp ủy và lãnh đạo nhiều phường, quận của Hà Nội chưa làm tròn trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước quần chúng, phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nhưng anh để cho Nhân dân sống trong cảnh nơm nớp về hỏa hoạn, hơn 80 người dân thiệt mạng trong chưa đầy 10 tháng, liệu anh còn xứng đáng làm cán bộ, đảng viên?“, ông Nguyễn Túc đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Túc khẳng định, để xảy ra những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng vừa qua là trách nhiệm của các cấp chính quyền Hà Nội.
Vị chuyên gia này đánh giá chính sự “dễ dãi” của các cơ quan chức năng tạo cơ hội sinh ra hàng loạt công trình với những căn hộ siêu nhỏ, nhưng đầy đủ các chức năng như phòng ngủ, khu bếp, vệ sinh… mà lại thiếu lối thoát hiểm.
Người dân ở các khu nhà này đa phần là công chức, viên chức, lao động phổ thông nên gia đình nào cũng hàn khung sắt kín mít khu vực ban công để chống trộm cắp, tận dụng phơi quần áo, trồng cây xanh… Chính những “chuồng cọp” này trở thành bức tường sắt tự nhốt mình khiến nạn nhân không có lối thoát khi tai nạn ập đến.
“Những cán bộ thực thi nhiệm vụ có nhìn thấy các tòa nhà xây dựng trái phép mọc lên trên phố, đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai họa cho người dân bất kỳ lúc nào? Hay vì một lý do, lợi ích nào khác khiến họ cố tình làm ngơ, mắt nhắm, mắt mở?“, ông Túc đặt câu hỏi.
Vẫn đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Túc dẫn Kế hoạch 131 của UBND TP Hà Nội về khắc phục các hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên lĩnh vực, địa bàn quản lý của đơn vị hoặc để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
“Nhiều người chết như thế nhưng mới chỉ khởi tố 6 cán bộ của phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Vậy trách nhiệm của lãnh đạo quận ở đâu? Vì lý do gì mà chưa “sờ” đến những ông đó?“, ông Nguyễn Túc nói.
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, nêu rõ, cán bộ hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao thì phải xem xét xin từ chức.
Hay gần đây nhất là Quy định 144 về quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, cũng đề cập cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
“Tôi nhận được nhiều phản ánh của cử tri và Nhân dân rằng chủ trương của Đảng đã rõ ràng, chưa kể là các văn bản hướng dẫn cụ thể của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, chưa thấy ai từ chức“, ông Túc nêu.
Đối với trường hợp, cán bộ “cố đấm ăn xôi” dù có trách nhiệm dẫn đến những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, ông Nguyễn Túc kiến nghị cấp có thẩm quyền khẩn trương xem xét và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng có cùng quan điểm với ông Nguyễn Túc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng quy định 144 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, đạo đức của đảng viên, trong đó nêu rõ cán bộ, đảng viên khi cảm thấy mình không đáp ứng được, không còn đủ uy tín và năng lực nữa để đáp ứng yêu cầu công việc thì phải thực hiện văn hóa từ chức.
“Chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ còn vô trách nhiệm, còn thờ ơ, còn chây ì, thậm chí né tránh trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ. Trong mấy năm gần đây, báo cáo của Chính phủ thường nhắc đến, thậm chí nhiều báo cáo của bộ, ngành đều nhắc đến tình trạng này nhưng dường như chúng ta chưa có một liều thuốc thực sự hữu hiệu để khắc phục tình trạng này“, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Cấp dưới coi thường chỉ đạo của cấp trên?
TS Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và các vấn đề xã hội (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho biết sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết, Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 25 về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Trung phân tích, Chỉ thị 25 chỉ ra rất đầy đủ các yếu tố khách quan và chủ quan gây ra các vụ cháy. Những nguyên nhân này có cả yếu tố của quá trình đô thị hóa, của thời gian, của tư duy nhiệm kỳ, sự buông lỏng quản lý hoặc quản lý, giám sát không chặt chẽ, chủ quan, nể nang trong quy hoạch, xây dựng… cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân.
“Xem xét trên một khía cạnh nào đó là hệ quả của thời kỳ đã qua, của những sai sót bởi công tác quản lý trước đây. Tuy nhiên, vì sao bài toán này vẫn chậm được khắc phục, chấn chỉnh và chưa được coi như một biện pháp cấp thiết, quan tâm sâu sắc của thành phố?“, TS Cù Văn Trung nói.
Vì lẽ đó, ông Trung cho rằng yếu tố trách nhiệm khó quy kết, chỉ khi nào sự việc, sự vụ xảy ra thì mới có sự vào cuộc của các cấp. Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, thanh tra, báo cáo nắm tình hình được triển khai nhưng chuyển biến rất chậm.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và các vấn đề xã hội nêu thực tế, sau một đợt thanh kiểm tra thì các công trình sai phép trên địa bàn Hà Nội vẫn mọc lên như “nấm sau mưa”.
“Tôi nắm được thực tế ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, nhiều hộ dân kiến nghị bãi đỗ xe sai phép tại một chung cư, dù cấp có thẩm quyền ra văn bản chỉ đạo nhưng phường vẫn không chịu dẹp bỏ. Từ đó thấy rằng, công tác giám sát, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý hiện nay chưa hiệu quả, quyền lực trong hoạt động quản lý Nhà nước có nơi, có chỗ mất đi tính uy nghiêm của hệ thống. Nói các khác, một số nơi nhờn, coi thường sự chỉ đạo của cấp trên“, ông Trung nhận định.
TS Cù Văn Trung cho rằng đây là hệ quả của quá trình phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước nhưng thiếu tập trung, giám sát và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Từ thực tế kể trên, theo ông Trung, đòi hỏi những cán bộ đứng đầu Hà Nội phải chịu trách nhiệm cao hơn nữa, coi vấn đề sinh mạng của người dân thành phố phải đặt lên trên hết.
Nếu không tạo ra “bản đồng ca hợp xướng trên dưới, dọc ngang” thì khó có thể tạo ra những đột phá trong phòng, chống các vụ hỏa hoạn tiếp theo. Hệ quả tất yếu là dư luận nghi vấn về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của những người đứng đầu.
“Hơn lúc nào hết, kiên quyết chấn chỉnh, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn nữa trên các bình diện dân sinh đến tính phân cấp, phân quyền là bài toán của người lãnh đạo lúc này. Nếu không thể hiện được các chuyển biến đó, người dân Thủ đô sẽ đòi hỏi sự thay thế về các nhân sự lãnh đạo“, ông Trung nói.
Bàn luận về việc người đứng đầu phải từ chức khi xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận từ chức vẫn chưa thực sự trở thành một văn hóa.
Bà Nga cho rằng, nếu cán bộ xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc đánh giá cán bộ, công chức, đảng viên vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý”.
“Một chi bộ cuối năm đảng viên nào cũng hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một cơ quan năm nào cũng có công chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng rồi công việc cứ không trôi, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Vậy nó nằm ở đâu, nằm ở cách chúng ta đánh giá. Chính vì thế chúng ta không xử lý được cán bộ“, vị đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương nói.
Anh Văn – Minh Tuệ – Báo VTC News
Theo VTC News
Ảnh: Hiện trường vụ cháy nhà trọ trên phố Trung Kính, Hà Nội.
Xem bài viết gốc tại đây: