Hệ thống chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, trong khi công tác cải tạo, xây dựng lại được thực hiện rất chậm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 1-9-2021, được cho là sẽ gỡ khó cho việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội vốn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chỉ mới cải tạo 32/1.579 chung cư cũ
Thời gian qua, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở TP Hà Nội diễn ra ì ạch. Trong tổng số 1.579 chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội (nhiều nhất cả nước), đến nay mới có 32 chung cư cũ được cải tạo, xây dựng mới. Trong đó có 18 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai.
Theo ghi nhận, đến nay, hầu hết chung cư cũ ở TP Hà Nội đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; hiện tượng tự cơi nới, sửa chữa ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Đồng thời do không được duy tu, bảo trì thường xuyên, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Phường Thành Công, quận Ba Đình hiện có 87 nhà tập thể, gồm 4.684 căn hộ cao từ 2-5 tầng, xây dựng giai đoạn 1970-1980. Đa phần căn hộ trong các khu chung cư cũ này đã bán cho các hộ dân, trong đó nhiều khu đã xuống cấp nghiêm trọng. Diện tích căn hộ tại các khu chung cư cũ phần lớn nhỏ hơn 30 m2, dẫn đến tình trạng cơi nới tự phát làm hư hại kết cấu công trình và hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bên ngoài… Trước thực trạng trên, UBND phường Thành Công kiến nghị thành phố sớm có kế hoạch tổng thể cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Số lượng chung cư cũ khá lớn, đan xen sở hữu, thiếu hồ sơ tài liệu, hiện trạng căn hộ thay đổi… dẫn đến khó khăn trong việc kiểm định và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Theo ông Phong, quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai theo nguyên tắc toàn khu mà không thực hiện phân kỳ đầu tư như hiện nay là không khả thi. Bên cạnh đó, quy định hiện hành còn thiếu cụ thể về bố trí kinh phí kiểm định đối với diện tích nhà chung cư cũ không thuộc sở hữu nhà nước; về các hình thức lựa chọn chủ đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư…
Nhiệm vụ cấp thiết
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 19-7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu những khó khăn, thách thức của thành phố hiện nay, trong đó nêu rõ hệ thống chung cư cũ trên địa bàn đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, trong khi công tác cải tạo, xây dựng lại được thực hiện rất chậm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết, được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thành phố phối hợp Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngoài ra, còn một số vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và trong thời gian tới, việc tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù. Trước mắt, tập trung xem xét những vướng mắc còn lại tại Luật Nhà ở, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho thành phố thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đặt ra một số nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ như: tập trung hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; trong đó ưu tiên cải tạo, xây dựng lại trước với 5 khu nhà nguy hiểm cấp D, cấp nguy hiểm cao nhất, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp (phố Phan Kế Bính), nhà số 148-150 Sơn Tây, đều trên địa bàn quận Ba Đình.
Phân cấp nhiều hơn cho các quận, huyện UBND TP Hà Nội đã ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP theo quy định liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã được tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định tại khoản 3 điều 115 Luật Nhà ở 2014 đối với các dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn; tổ chức di dời, cưỡng chế di dời, phá dỡ đối với nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở 2014 (khoản 2 điều 113; khoản 3 điều 115) và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. |
Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Hầu hết nhà chung cư cũ ở TP Hà Nội đều đã xuống cấp nghiêm trọng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/ha-noi-cap-thiet-cai-tao-chung-cu-cu-20210729202714795.htm