Hà Nội: Các tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng ‘ì ạch’ thi công nhiều năm chưa xong

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, ì ạch thi công, thậm chí có tuyến đường kéo dài hơn 10 năm vẫn không xong.

Đầu tiên phải kể đến Dự án đường Vành đai 3,5 từ Đại lộ Thăng Long đến đường 32 khởi công từ năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến đưa vào dử dụng sau 10 tháng, nhưng hiện vẫn ngổn ngang.

Tuyến đường Vành đai 3,5 nằm giữa Vành đai 3 đã hoàn thiện và Vành đai 4 trong quy hoạch. Đây là tuyến kết nối khu vực Bắc và Nam sông Hồng dài hàng chục km đi qua các quận, huyện như Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh…, tạo thành Vành đai phía Tây Thủ đô có chiều dài hàng chục km với điểm nhấn là cầu Thượng Cát (9.000 tỷ đồng) bắc qua sông Hồng nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm.

Tuyến đường chạy qua Quốc lộ 32 Bắc Từ Liêm, Hà Đông và kết thúc ở cao tốc Pháp Vân (huyện Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện tuyến có dự án đang xây dựng là đoạn nối từ đại lộ Thăng Long (địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức) với Quốc lộ 32 dài 5,6km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Nhưng sau hơn 4 năm, đến nay dự án mới hoàn thiện được hạng mục đổ đất đá, xử lý nền đường cho hơn 4km trên tổng 5,6km. Tuyến đường hiện mới chỉ thảm nhựa vài đoạn ngắn, còn hầu hết mới đang trong giai đoạn hình thành.

Tương tự, Dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.4000 tỷ đồng có chiều dài hơn 2,85km, mặt cắt ngang 30m, 4 làn xe chạy tính cả hai chiều đi qua địa bàn hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai và khoảng 1.000 hộ dân, tổ chức thuộc diện giải phóng mặt bằng.

Dự án Dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài đi qua THCS Khương Mai và tiếp giáp với hồ Đầm Hồng, giao cắt đường Vành đai 2,5.

Dự án đường Tôn Thất Tùng kéo dài được Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Thành phố Hà Nội triển khai theo hình thức hợp đồng BT và ủy quyền cho Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội xem xét quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông M.V.T – sống tại ngõ 69B đường Hoàng Văn Thái cho hay: Dự án bị treo nhiều năm nay ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân, nhà cửa xuống cấp, giao thông thì ùn tắc mỗi khi đến giờ tan tầm… Trong những buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng kiến nghị UBND thành phố sớm triển khai dự án để đời sống người dân được ổn định, đảm bảo an ninh xã hội.

Bên cạnh đó, được phê duyệt từ năm 2002, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng – Định Công tới Giải Phóng (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) theo hình thức BT đã “đắp chiếu” qua 6 đời Chủ tịch phường Định Công, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang không biết ngày hoàn thành.

Tấm biển dự án đường Vành đai 2,5 đã mờ, không còn rõ nét sau ngần ấy năm.

Được biết, dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà làm Chủ đầu tư, sau đó, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.

Tuyến đường BT này có chiều dài khoảng 2,1km, mặt cắt đường 40m, ban đầu tổng mức đầu tư được xác định chỉ là 688,6 tỷ đồng, đến năm 2012 được điều chỉnh là hơn 1.300 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như bồi thường nên dự án vẫn “ì ạch” chưa biết ngày nào xong. Trong khi những khu đất đối ứng đã được chủ đầu tư bán thu tiền của khách từ lâu.

Trong hoàn cảnh tương tự, tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) có tiến độ hoàn thành năm 2020 nhưng hiện vẫn đang “loay hoay” giải phóng mặt bằng.

Ngõ 198 Ngọc Lâm vẫn đang ngổn ngang trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cô V.A sống tại ngõ 198 Ngọc Lâm bức xúc: Nhà tôi cũng được bồi thường giải phóng mặt bằng 20m sân trước nhà, từ năm ngoái gia đình đã bàn giao mặt bằng, nhưng trong ngõ vẫn còn 1 số nhà chưa thỏa thuận được dẫn đến tình trạng bụi bẩn bay vào khắp nhà khiến nhà tôi lúc nào cũng cửa đóng then cài mặc dù có trẻ nhỏ, hay những ngày mưa đất cát từ ven bên đường trôi xuống đi lại nhếch nhác và dễ trơn trượt.

Được biết, Dự án xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, được phê duyệt tại Quyết định số 7588/QĐ-UBND, ngày 31/10/2017, với quy mô: Tổng chiều dài toàn tuyến 1,52m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ; điểm cuối giao với tuyến đường hành lang chân đê tại ngõ 264 Ngọc Thụy. Chiều rộng mắt cắt ngang 40,0m.

Công trình có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp trên 325 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 719 tỷ đồng, có diện tích sử dụng đất khoảng 82.000m2. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập quận Long Biên (6/11/2003-6/11/2018), dự kiến hoàn thành năm 2020.

Tuy nhiên, sau 3 năm thi công, hiện tuyến đường này mới chỉ thi công được một đoạn ngắn có mặt bằng sạch từ ngõ 2 Ngọc Thụy hướng về đường đê. Còn tại ngõ 189 Ngọc Lâm và 189 Nguyễn Văn Cừ vẫn đang ngổn ngang trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hạ Nhiên – Báo Xây Dựng

Theo Xây Dựng

Ảnh: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến đường 32 là dự án hạ tầng quan trọng, kết nối phía Bắc và Nam sông Hồng, tạo vành đai phía Tây Hà Nội.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-cac-tuyen-duong-hang-nghin-ty-dong-i-ach-thi-cong-nhieu-nam-chua-xong-321555.html