Không đủ các điều kiện pháp lý, không được các cơ quan chức năng cho phép nhưng các bến thủy nội địa dọc sông Đáy qua Hà Nam vẫn hoạt động.
Nhan nhản bến thủy không phép trên sông
Thời gian qua, trên tuyến sông Đáy qua địa phận huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, TP Phủ Lý, Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) xuất hiện nhiều bến thủy nội địa tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy, uy hiếp hành lang đường sông, bảo vệ kết cấu hạ tầng đê điều. Nhiều bến mọc sát chân đê, chân cầu và ngay khu vực nhà dân để “nhập” cát, vật liệu xây dựng từ tàu lên rồi bán lẻ cho các đại lý, phục vụ các công trình dân sinh.
Ông N.V.T (ở huyện Thanh Liêm) làm nghề lái tàu cho biết: “Mỗi lần di chuyển qua khúc sông Đáy ở Thanh Tân, chúng tôi rất lo vì có nhiều cầu cảng, lại không có đèn cảnh báo.
Nếu không chú ý quan sát, khả năng tàu đụng các cầu cảng có thể đến bất cứ lúc nào, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Các bến ở đây mọc nhan nhản nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn cho tồn tại nhiều năm qua”.
Thống kê sơ bộ, dọc tuyến sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Liêm có tới hàng chục bến của Công ty CP Khoáng sản Nam Sơn, Công ty TNHH Tân Phú Đông, Công ty CP Đức Hồng, hộ gia đình ông Trần Văn Tỵ, Trương Văn Thịnh, Nguyễn Đức Dũng… hoạt động không phép.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nam thừa nhận: Trên địa bàn có nhiều bến thủy không đủ điều kiện để hoạt động.
Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát và không cấp mới giấy phép cho các bến thủy nội địa nên hiện nay đa số những bến được cấp trước đó đã hết hạn và không đủ điều kiện hoạt động.
Khó xử lý?
Ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm) cho biết, địa phương có 6 bến tự phát, đều không được cấp phép và đa số xây dựng ngay trong khuôn viên đất của người dân. “Khi chúng tôi đến kiểm tra thì họ lại dừng hoạt động. Chính vì thế, rất khó để xử lý”, ông Ảnh cho hay.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị cho biết, trên địa bàn trước kia có nhiều bến thủy nhưng hiện đã không hoạt động hoặc giải thể.
“Đến nay, còn khoảng 10 hộ gia đình xây trụ cẩu trên đất thổ cư để kinh doanh cát. Chúng tôi cùng các ngành đã nhiều lần kiểm tra và lập biên bản”, ông Hà nói và kiến nghị, các ngành chức năng cần cắm phao cảnh báo không cho các phương tiện thủy nội địa neo đậu ở các khu vực này. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát đường thủy cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trên sông. Khi đó, người dân có làm trụ cẩu thì cũng không mang lại lợi ích kinh tế.
Ông Dương Văn Hội, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nam cho biết, tháng 12/2019, Sở GTVT đã có Quyết định số 510 thành lập đoàn kiểm tra phương tiện thủy nội địa ra vào tại các vị trí có trụ cẩu, bến rót tự phát trên tuyến sông Đáy.
Tại huyện Thanh Liêm, đoàn đã kiểm tra 2 máng rót không giấy phép ở xã Thanh Tân (phạt tiền 30 triệu đồng); Kiểm tra 10 trụ cẩu tại xã Thanh Nghị và xử phạt 9 trường hợp không có giấy phép với số tiền 67,5 triệu đồng (có 1 trường hợp chủ hộ không có mặt tại địa phương).
Còn tại huyện Kim Bảng, lực lượng chức năng đã kiểm tra các bến xi măng Nội Thương của Công ty CP Xi măng Nội Thương (ở xã Liên Sơn); bến Thái Sơn của Công ty TNHH Thái Sơn (ở xã Khải Phong)… thì tất cả các bến đều không hoạt động, chủ bến không có mặt. Khi kết thúc đợt kiểm tra, đoàn đã đề nghị Sở GTVT Hà Nam có văn bản báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các phương tiện thủy nội địa ra, vào tại các vị trí có trụ cẩu và bến rót tự phát trên sông Đáy.
Cũng theo ông Hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kế hoạch liên ngành kiểm tra, rà soát các phương tiện thủy nội địa, máng rót trên địa bàn năm 2020 bị hoãn lại nên chưa thực hiện việc kiểm tra.
44 bến hoạt động không phép trên 2 tuyến sông
Số liệu thống kê từ Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nam cho thấy, hiện có 44 bến thủy nội địa hoạt động không phép dọc tuyến sông Đáy và sông Hồng qua 5 huyện, thành phố gồm: Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Phủ Lý. Ngoài ra, có 14 bến hàng hóa, cảng bến hành khách đã từng được cấp phép nhưng hết hạn. Đa số những bến thủy này vẫn còn hoạt động.
Theo An Toàn Giao Thông
Ảnh: Dọc tuyến sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Liêm, hàng chục chiếc cẩu mọc sừng sững để cẩu cát, đá, vật liệu xây dựng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.atgt.vn/ha-nam-hang-loat-ben-thuy-khong-phep-vo-tu-hoat-dong-d479961.html