Hà Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

Sáng 1/2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, hướng vào liên kết với các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất; tập trung dồn sức cho 7 xã còn lại để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh Hà Nam đã làm tốt việc tổ chức lấy nước, làm đất, gieo mạ chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2019. Tuy nhiên, sản xuất vụ xuân có thắng lợi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, tỉnh cần chủ động các giải pháp đối phó với tình hình thời tiết bất thuận; thực hiện hiệu quả việc chăm sóc lúa sau cấy, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh.

Tại buổi làm việc, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 của tỉnh Hà Nam đạt gần 7.800 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41 triệu đồng/người/năm.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đến nay, tỉnh có 91/98 xã, 2 huyện Duy Tiên, Kim Bảng đạt chuẩn nông thôn mới và đang hoàn thiện hồ sơ trình công nhận huyện Thanh Liêm, thành phố Phủ Lý đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Vụ Xuân 2019, Hà Nam có kế hoạch gieo trồng trên 35.300 ha, trong đó, diện tích gieo cấy lúa trên 30.700 ha, diện tích cây màu trên 4.600 ha. Nhận định tình hình hạn hán, thiếu nguồn nước vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngay từ tháng 9/2018, UBND tỉnh đã đôn đốc các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, tu bổ, sửa chữa trạm bơm, cống đập…;

Tỉnh thông báo kịp thời thời gian các đợt xả nước của hồ thượng nguồn để các địa phương, đơn vị chủ động kế hoạch lấy nước; thường xuyên thông báo tình hình chất lượng nguồn nước, đặc biệt là các đợt ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ để các đơn vị chủ động trong việc lấy nước đảm bảo về chất lượng nước.

Đến nay, 99% diện tích đất đã có nước đổ ải. Diện tích mạ đã gieo đạt gần 90% kế hoạch. Ngày 7/2, các địa phương đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa xuân và phấn đấu hoàn thành trong tháng 2/2019.

Từ thực tế sản xuất nông nghiệp của địa phương, tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu điều chỉnh thời gian các đợt xả nước của hồ thượng nguồn, nhất là đợt 1 sớm hơn từ 5 – 7 ngày để đảm bảo số lượng và chất lượng nước phục vụ sản xuất tốt hơn; chỉ đạo các địa phương xử lý hạt giống phòng trừ bệnh lùn sọc đen phương Nam; tiếp tục tạo điều kiện bố trí nguồn vốn cho đầu tư xây dựng một số các dự án thủy lợi, đê điều trên đia bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; giới thiệu các doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp về đầu tư tại Hà Nam.

Đối với những kiến nghị của tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao cho lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của bộ nghiên cứu, xem xét để giải quyết.

Trước đó, đoàn công tác đã đi kiểm tra việc chuẩn bị sản xuất vụ Xuân 2019 tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên; lấy nước đổ ải tại cống và Âu thuyền Tắc Giang.

Nguyễn Chinh (TTXVN) – Báo Tin tức

Theo Tin tức TTXVN

Ảnh: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang cùng đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị mạ xuân tại xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotintuc.vn/thoi-su/ha-nam-can-tiep-tuc-thuc-hien-cac-giai-phap-co-cau-lai-san-xuat-nong-nghiep-20190201152211660.htm