Trước thực trạng khoang thông thuyền của cầu Đuống thấp và hẹp, gây khó khăn cho phương tiện thủy qua lại, Bộ Giao thông – Vận tải đang lập phương án chuẩn bị đầu tư cải tạo cầu Đuống. Đồng thời, Bộ cũng đề xuất đầu tư xây dựng cầu Đuống mới trong giai đoạn 2021-2025, sử dụng cho đường bộ. Việc cải tạo cầu Đuống cũ và xây dựng cầu Đuống mới sẽ góp phần gỡ ‘nút thắt’ trên tuyến hành lang vận tải thủy trọng yếu và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.
Chưa đáp ứng nhu cầu qua lại của phương tiện thủy
Tuyến hành lang vận tải thủy số 1 từ thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đến tỉnh Quảng Ninh dài 250km đến nay đã được đầu tư, nâng cấp luồng tàu, cơ bản đáp ứng phương tiện vận tải hàng hóa 800 tấn lưu thông.
Tuy nhiên, trên hành lang này, khoang thông thuyền của cầu Đuống chỉ đáp ứng được tàu trọng tải đến 600 tấn.
Theo Bộ Giao thông – Vận tải, nguyên nhân là do cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, đi chung đường sắt và đường bộ, có kích thước khoang thông thuyền thấp và hẹp. Vào thời điểm nước lên cao, chiều cao khoang thông thuyền chỉ đạt 2,8m, chiều rộng chỉ đạt 26m, gây khó khăn cho phương tiện thủy qua lại. Chưa kể, do ảnh hưởng của kết cấu trụ cầu, dòng chảy tại đây khá phức tạp, gây nguy hiểm cho phương tiện thủy trong mùa bão lũ.
Để gỡ “nút thắt” này, đồng thời chuẩn bị cho việc nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi). Theo phương án này, cầu mới vừa có tĩnh không bảo đảm thông thuyền, vừa phù hợp với thiết kế của tuyến đường sắt trong tương lai. Cùng với đó sẽ xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư đối với phương án này khoảng 2.550 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu đường sắt khoảng 1.700 tỷ đồng; phần cầu đường bộ khoảng 850 tỷ đồng.
Với phương án 2, Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không bảo đảm khả năng thông thuyền (theo tiêu chuẩn cao 9,5m, rộng 50m). Đồng thời, xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư đối với phương án này khoảng 1.210 tỷ đồng. Trong đó, phần cải tạo cầu Đuống hiện có khoảng 360 tỷ đồng và phần xây dựng cầu đường bộ khoảng 850 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, ở cả hai phương án, Bộ đều đề xuất xây dựng cầu đường bộ mới. Sau khi tập hợp ý kiến các bên liên quan, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ quyết định, sớm triển khai.
Xây dựng cầu Đuống mới là cần thiết
Về phía thành phố Hà Nội, hầu hết ý kiến của đại diện các ngành chức năng cho rằng, việc cải tạo nâng cấp tĩnh không cầu Đuống hiện tại và xây mới cầu đường bộ như phương án 2 là phù hợp. Việc này không chỉ gỡ “nút thắt” cho tuyến vận tải thủy, mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho Hà Nội và các địa phương liên quan.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông – vận tải Thủ đô, cầu Đuống hiện có phục vụ tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia. Việc nâng cấp cầu để bảo đảm hoạt động của tuyến giao thông đường thủy trên sông Đuống theo tiêu chuẩn là cần thiết.
Trong khi tuyến đường sắt đô thị số 1 chưa được đầu tư xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng việc lựa chọn phương án 2 là hợp lý. Trong quá trình triển khai, có thể nghiên cứu các giải pháp phù hợp bảo đảm khớp nối và có thể tiếp tục nâng cấp các nhịp còn lại để cầu Đuống trở thành cầu đường sắt tuyến số 1 trong tương lai, tránh lãng phí.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện bổ sung, việc nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Đuống nên cập nhật thêm tính toán mực nước lũ, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Trao đổi về kế hoạch đầu tư xây dựng cầu Đuống mới (cầu Đuống 2) và đường nối đầu cầu đến địa phận tỉnh Bắc Ninh, ông Vũ Văn Viện thông tin thêm, dự án hiện thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, xác định đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong cả 2 phương án mà Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất xem xét đều đề nghị UBND thành phố Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống mới. Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đã kiến nghị thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nghiên cứu, tham mưu phương án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới trong giai đoạn 2021-2025.
“Việc triển khai dự án cầu Đuống mới từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảo đảm đồng bộ với dự án cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống hiện tại do Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất”, ông Vũ Văn Viện khẳng định.
Theo Hà Nội Mới
Ảnh: Tĩnh không của cầu Đuống (nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm) thấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu thuyền. Ảnh: Đỗ Tâm
Xem bài viết gốc tại đây:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/970655/go-nut-that-tren-tuyen-hanh-lang-van-tai-thuy