Giáo sư 8X và “phác đồ” đặc biệt: Chống ung thư bằng… môi trường

GS-TS. Đặng Đức Huy là gương mặt điển hình của thế hệ trẻ Việt Nam vươn lên từ gian khó để theo đuổi đam mê, chinh phục tri thức bằng con đường du học rồi trở thành công dân toàn cầu.

Vị giáo sư 8X này đã hội nhập sâu vào môi trường nghiên cứu quốc tế, với những công trình có tính ứng dụng cao trong việc giải quyết các vấn đề môi trường có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Ngay sau khi được vinh danh bởi Giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng 2020, GS-TS. Đặng Đức Huy (Đại học Trent, Canada) đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện đặc biệt.

Đầu tiên xin được chúc mừng anh với Giải thưởng Quả Cầu Vàng vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Giải thưởng và sự vinh danh này có ý nghĩa thế nào với anh?

Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng (QCV) là một phần thưởng cao quý và trong những năm vừa qua đã trở thành mục tiêu phấn đấu với nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam. Ngoài vinh dự của giải thưởng là điều đương nhiên mà mỗi cá nhân nhận giải thưởng đều cảm nhận được thì với tôi là một QCV ở nước ngoài, giải thưởng còn có một giá trị lớn hơn rất nhiều vì đây là sự công nhận vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc cho những cống hiến phần lớn mang tính quốc tế.

Nhưng vinh dự càng lớn thì trách nhiệm cũng sẽ tương đương. Bản thân tôi luôn tự hào về quốc gia Việt Nam và sâu sắc biết ơn vinh dự và trách nhiệm quê hương đã trao gửi qua giải thưởng QCV. Từ đó, những cống hiến trong tương lai, không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn về giáo dục đạo tạo cũng như kinh tế xã hội, chắc chắn sẽ luôn hướng về quê hương.

GS-TS. Đặng Đức Huy. Ảnh: Nguyễn Quốc Thiện

Anh từng chia sẻ về chặng đường du học trong hành trang mang theo là nguyện vọng của bố, muốn biến giấc mơ cuối cùng của bố thành hiện thực và thậm chí đã phải vay mượn tài chính để thực hiện điều đó. Việc du học với anh có quá đột ngột?

Lựa chọn du học của tôi không phải đột ngột mà là một sự chuẩn bị rất lâu dài. Du học hiện nay hoàn toàn dễ dàng với rất nhiều gia đình Việt Nam, nhưng du học thành công thì có lẽ sẽ rất khó khăn nếu các bạn trẻ không chuẩn bị cho mình một hành trang riêng, về ngôn ngữ, về cách thích nghi, về văn hóa.

Trong chặng đường du học ở Pháp từ 2006 đến 2014, anh đã vừa học vừa làm nhiều công việc khác nhau trong năm năm đầu tiên. Anh có thể kể một chút về khoảng thời gian này? Điều giá trị nhất mà anh nhận được?

Chuyện vừa học vừa làm là điều mà hầu hết du học sinh Việt Nam đều trải qua và đây là một trải nghiệm vô cùng quý giá. Tôi luôn quan niệm rằng chỉ có nỗ lực và trải nghiệm mới rèn luyện được con người. Những năm tháng đó tuy vất vả nhưng là khoảng thời gian tuổi trẻ rất đẹp mà tôi sẽ luôn ghi nhớ. Đó là những ký ức không thể quên về gia đình và bạn bè, về sự đùm bọc và gắn bó. Những lời nói và hành động chúng ta dành cho nhau tưởng nhỏ nhưng giữa lúc khó khăn thì giá trị vô cùng. Chính vì vậy những tháng năm đó đã dạy cho tôi ý nghĩa của những điều nhỏ bé và giúp tôi có được những tình bạn và tình cảm gia đình rất đáng trân quý.

Như vậy là 14 năm trước anh đã phải chia nhỏ thời gian trong ngày giữa giảng đường và chỗ làm, phải nuôi ước mơ con chữ dưới những ánh đèn khu bếp rửa chén… Vậy thì, ước mơ lớn nhất của anh những lúc ấy là gì?

Phải nói rằng tôi không phải là một trường hợp cá biệt. Rất nhiều các thế hệ học sinh sinh viên, ở trong và ngoài nước đều trải qua những điều như vậy. Tôi luôn hiểu rằng có rất nhiều sinh viên Việt Nam còn vất vả hơn mình rất nhiều. Rất nhiều vị phụ huynh, ở thành thị cũng như nông thôn, còn trải qua nhiều vất vả và cay đắng cho ước mơ của thế hệ sau. Lúc đó tôi cũng giống như bao học sinh sinh viên khác, chỉ mong muốn vượt qua được quãng thời gian vất vả để thành công, để giúp đỡ lại được gia đình và bạn bè.

Cảm giác lúc đó có lẽ giống như một con người bị kẹt lại trong một căn hầm và cố gắng hết sức để tiến về một tia sáng le lói phía cuối đường hầm.

Đây tuy là một điều đáng buồn, nhưng tôi ngược lại cảm thấy rất tự hào. Bởi vì đây chính là truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, là một giá trị văn hóa xã hội đặc trưng của người Việt. Tuy hiện tại chúng ta còn vất vả, nhưng chắc chắn hiếu học và nỗ lực là nền tảng vững chắc nhất cho tương lai của Việt Nam để phát triển kinh tế xã hội, để trở nên giàu mạnh và là trung tâm tri thức của thế giới. Chính vì vậy tôi rất muốn gửi lời động viên tới các bạn trẻ Việt Nam. Những khó khăn bây giờ chỉ là thử thách tạm thời. Và tôi hy vọng các bạn sẽ chứng minh được, các bạn xứng đáng vươn ra và tìm được ánh sáng. Lúc đó đừng quên nhìn lại và tri ân đấng sinh thành và những người đã luôn bên mình lúc khó khăn.

Được biết lựa chọn ban đầu của anh là ngành sinh học và khoa học sự sống tại ĐH Toulon với mong muốn tìm hiểu về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch từ đó tìm ra phương pháp kiểm soát ung thư – căn bệnh đã cướp mất bố. Nhưng vì sao sau đó anh lại đổi hướng nghiên cứu sang ngành hoá học môi trường? Có khó khăn khi đưa ra lựa chọn này?

Mơ ước lúc đầu của tôi là học y và chúng ta đều biết khó khăn thử thách và đặc biệt là tài chính để theo đuổi ngành y. Chính vì vậy, tôi chọn học sinh học với mục tiêu nghiên cứu về y dược. Tuy vậy, sau khi được nhận vào một chương trình Thạc sĩ ở một thành phố khác và đã chuyển tới đó, tôi nhận ra rằng mình không đủ tài chính để sống quá ba tháng ở đó.

Tôi quyết định quay lại thành phố Toulon vì tôi vẫn còn có thể tiếp tục làm thêm và có gia đình bạn bè giúp đỡ. Ở trường ĐH Toulon thì ngành duy nhất tôi quan tâm là hóa học môi trường. Lúc đó tuy có đắn đo nhưng tôi cũng tự nhủ rằng mình không học được cách để chữa bệnh thì mình sẽ học cách để phòng bệnh. Chính vì vậy tôi phát triển chuyên môn về ô nhiễm môi trường. Và cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp thủ khoa hai trường Toulon và Marseille năm 2011 và giành được học bổng của Chính phủ Pháp để làm luận án Tiến sĩ.

Bây giờ nhìn lại thì có lẽ nghề đã chọn người.

Đặng Đức Huy làm nghiên cứu tại Trung tâm Chất lượng nước, Đại học Trent. Ảnh: Nguyễn Quốc Thiện

Luận án tiến sĩ của anh đã chứng minh cho Hội đồng Vùng duyên hải phía Nam nước Pháp thấy được tác động của ô nhiễm kim loại lên đa dạng sinh học, và đặc biệt là sức khỏe con người ở vùng duyên hải Địa Trung Hải. Luận án này được đánh giá rất cao, góp phần thúc đẩy một dự án trọng điểm trị giá 93 triệu Euro với mục đích bảo tồn, phục hồi và cải thiện môi trường biển nhằm giảm thiểu tác hại lên sức khỏe cộng đồng. Anh đã thuyết phục họ như thế nào? Đến nay dự án này tiến triển ra sao?

Chúng ta đều biết tầm quan trọng của khoa học và kỹ thuật trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, luôn có những khó khăn trong việc áp dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, ví dụ như cộng đồng chống vaccin, hay những người không tin vào biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực môi trường thì độ phức tạp rất lớn vì trên cán cân còn có lợi ích kinh tế. Thông thường rất ít các hoạt động nhân tạo có giá trị kinh tế cao lại thân thiện với môi trường.

Luận án tiến sĩ của tôi cùng với các nghiên cứu trước đó đã có thể chứng minh với các cơ quan chức năng ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường qua các nghiên cứu liên ngành, bao gồm sinh học, hóa học và địa chất. Qua đó chúng tôi có dữ liệu một cách chính xác về nguồn ô nhiễm, cơ chế ô nhiễm và ảnh hưởng lên hệ sinh thái thủy sinh và hải sản nuôi trồng.

Tất cả là những bằng chứng không thể rõ ràng hơn được trình lên các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng tôi còn có các hoạt động chia sẻ với truyền thông và các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ô nhiễm biển bằng các dự án liên kết với các trường trung học phổ thông. Các học sinh chúng tôi hướng dẫn đã nhận giải Olympia Hóa học quốc gia năm 2011 và đại diện nước Pháp ở cuộc thi quốc tế Stockholm Junior Water Prize.

Tất cả các hoạt động đó đã góp phần tạo nên một động lực và tiếng nói trong cộng đồng và thuyết phục được các cơ quan chức năng để hành động bảo vệ môi trường. Dự án hiện nay vẫn đang tiếp tục và tôi vẫn tiếp tục hợp tác với các đồng nghiệp ở Pháp để tìm hiểu rõ hơn các cơ chế và biện pháp phục hồi.

Bí quyết để tạo nên thành công với những nghiên cứu có sự giao thoa giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng như anh đang thực hiện?

Trong lĩnh vực môi trường, nghiên cứu cơ bản là tiền đề vô cùng quan trọng để chúng ta có thể đánh giá tác động và đề ra các giải pháp phục hồi và cải thiện môi trường. Ở các nước phát triển, đây là một lĩnh vực rất được chú trọng và quan tâm bởi các quỹ nghiên cứu quốc gia và các trường đại học. Khoa môi trường tại Đại học Trent cũng được coi là một trong những khoa đào tạo về lĩnh vực khoa học môi trường và chính sách môi trường tốt nhất Canada.

Ngoài ra, trang thiết bị tiên tiến cũng góp phần để chúng tôi có những nghiên cứu tiên phong và hỗ trợ các cơ quan chức năng với các giải pháp và chính sách môi trường. Tôi hiện nay đang là thành viên Ban Giám đốc của Trung tâm chất lượng nước (Water Quality Center) là một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về trang thiết bị. Điều này tạo nên một cầu nối vững chắc giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của nghiên cứu cơ bản vào các vấn đề môi trường.

Với góc nhìn của một người trẻ, anh định nghĩa thế nào về một người làm khoa học?

Với bản thân tôi, người làm khoa học, và đặc biệt là khoa học môi trường có trách nhiệm rất lớn với cộng đồng. Tuy nhiên người làm khoa học trong môi trường ở các nước đang phát triển phải đối mặt với rất nhiều thách thức cũng như cám dỗ. Đương nhiên rất nhiều nghề khác cũng vậy. Chính vì vậy chúng ta cần trung thực và dám đối mặt với bệnh thành tích.

Về cách làm khoa học, một tôn chỉ tạo nên sự khác biệt của Đại học Trent trong giáo dục và đào tạo là “Challenge the way you think – Thách thức cách ta tư duy”. Tôi luôn tin rằng trong thời đại mới, tất cả chúng ta có thể học được kiến thức và kỹ năng bằng nhiều cách và phương pháp khác nhau. Nhưng cách chúng ta đối mặt, tư duy và giải quyết vấn đề mới là chìa khóa tạo nên thành công.

Đặng Đức Huy trong chuyến thực địa tại rừng ngập mặn cửa sông Amazon, Brazil, năm 2015. Ảnh: Stephane Mounier.

Là một chuyên gia lĩnh vực môi trường chắc hẳn anh có để ý đến tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước? Những thông tin gắn với những cụm từ “báo động”, thậm chí “báo động đỏ” từ quê nhà mang lại cho anh cảm giác gì?

Trước hết, chúng ta cần biết rằng môi trường có khả năng tự tái tạo, có nghĩa là khi tác động môi trường còn trong giới hạn tái tạo thì sẽ chưa xảy ra tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng lên chất lượng môi trường và hệ sinh thài. Chính vì vậy, những tình huống báo động về môi trường thường xảy ra khi tác động đã quá lớn và ảnh hưởng trở nên không thể đảo ngược lại. Đây là một điều rất đáng tiếc bởi lẽ tài nguyên môi trường của Việt Nam, tuy đa dạng nhưng cũng không vĩnh cửu, cũng như sức khỏe của con người chúng ta.

Tuy vậy, tôi muốn nhấn mạnh ô nhiễm môi trường không phải là một vấn đề của riêng Việt Nam, mà là thách thức với tất cả các quốc gia trên thế giới, bất kể điều kiện kinh tế xã hội hay cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần đối mặt và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách tích cực và có tính xây dựng.

Vấn đề ô nhiễm môi trường luôn nhận được sự quan tâm chung của xã hội tuy nhiên những nghiên cứu, sự chủ động tìm hiểu và lựa chọn hướng đi về xử lý ô nhiễm còn tương đối mới ở Việt Nam?

Như đã nói ở trên, ô nhiễm môi trường là một vấn đề phức tạp và tất cả các quốc gia đều gặp phải. Hơn nữa, không có một phương pháp tối ưu có thể hoàn toàn giải quyết vấn đề trong chốc lát. Như ở Paris, trong một số điều kiện thời tiết phức tạp có thể gây ô nhiễm không khí, thành phố đã áp dụng các biện pháp tạm thời như lưu thông xe theo biển chẵn lẻ, hay chỉ cho phép các phương tiện ít ô nhiễm lưu thông. Đây chỉ là những giải pháp làm giảm thiểu chứ không thể hoàn toàn loại bỏ ô nhiễm.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường thì chúng ta cần những giải pháp có tính định hướng cao nhưng chúng ta cần hiểu rằng thành quả tốt đẹp sẽ không xảy ra ngay tức khắc. Ô nhiễm thực chất là khi tác động tiêu cực vượt quá khả năng tái tạo của môi trường. Chính vì vậy, để giảm thiểu ô nhiễm thì cần giảm thiểu tác động tiêu cực, các hoạt động gây ô nhiễm như giao thông, các hoạt động công nông nghiệp. Tuy vậy, giảm thiểu các tác nhân ô nhiễm một cách cứng nhắc sẽ ảnh hưởng lên kinh tế xã hội. Đây luôn là một bài toán rất khó với hai bên cán cân là phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong quá khứ, rất nhiều các quốc gia đã lựa chọn phát triển kinh tế xã hội và đánh đổi bằng hủy hoại môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ đi con đường phát triển kinh tế tuần hoàn và phát triển năng lượng sạch. Đây là một khái niệm khá mới nhờ việc sử dụng và tái chế rác thải giữa các hoạt động kinh tế khác nhau trong một phạm vi địa lý để giảm thiểu rác thải và tác động lên môi trường. Có lẽ đây sẽ là giải pháp tối ưu cho phép chúng ta phát triển kinh tế mà không phải trả giá bằng hệ sinh thái hoặc sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ sau này.

Được biết anh và các đồng nghiệp trong nước đang tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động môi trường ở miền Nam Việt Nam, anh có thể chia sẻ về đề tài nghiên cứu này cũng như tính ứng dụng của nó?

Chúng tôi đang ở trong giai đoạn khởi động dự án. Trước hết thì đây là một dự án nghiên cứu trọng điểm quốc gia mà tôi cộng tác với các đồng nghiệp ở trường Đại học Thủy Lợi và hai trường Đại học Nhật Bản (Tsukuba và Kyushu) để nghiên cứu nguồn gốc, cơ chế phát tán của ô nhiễm ở vùng duyên hải phía Nam Việt Nam. Đây là một sự đầu tư rất quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực môi trường và khoa học môi trường.

Vì những lý do đã nói ở trên, chúng ta rất cần những dự án lớn như vậy để có thể tạo được mối liên kết giữa các người nghiên cứu khoa học, các cơ quan chức năng về môi trường và các nhà hoạch định chính sách về môi trường. Chỉ khi chúng ta có được sự liên kết này thì chúng ta mới có được những hoạch định có tính lâu dài để thay đổi hiện trạng môi trường và bảo vệ tài nguyên cũng như sức khỏe con người.

Trong dự án này, phòng nghiên cứu của tôi và Trung tâm Chất lượng nước ở ĐH Trent đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ về phương pháp, xét nghiệm cũng như chuyên môn trong lĩnh vực địa hóa môi trường. Tôi hy vọng sẽ có thể phát triển dự án này tương tự như nghiên cứu tiến sĩ của tôi ở Pháp. Mong muốn lớn nhất là cải thiện chất lượng nước duyên hải Việt Nam, đảm bảo và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội quan trọng như nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo sinh kế của người dân cũng như an ninh lương thực quốc gia.

Với tiền lệ nghiên cứu này, liệu anh có dự định đẩy mạnh nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề thân cận với cuộc sống như khí trời và nguồn nước?

Như tôi đã nhấn mạnh trước đó và trong lễ trao giải QCV, đây là trách nhiệm đi cùng với vinh dự mà tôi đã được giao phó. Chính vì vậy, chắc chắn tôi rất mong muốn được phát triển nhiều dự án hơn nữa ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, không chỉ khoa học công nghệ mà còn giáo dục đào tạo và kinh tế xã hội. Về KHCN, tôi chắc chắn sẽ tìm cơ hội để nghiên cứu về môi trường Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực chất lượng nước và ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Trong những năm tới, tôi đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực ô nhiễm từ công nghiệp công nghệ cao và đây thực sự là trọng điểm với Việt Nam trong vai trò của một con rồng châu Á về công nghiệp ô tô, điện tử và tái chế sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay tôi đang phát triển dự án như vậy ở Canada, Pháp, New Caledonia, đảo Fiji và chắc chắn không thể thiếu quê hương mình.

Đặc biệt về giáo dục đào tạo, tôi cũng hy vọng sẽ ký kết được các thỏa thuận song phương giữa ĐH Trent và các trường ĐH ở Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi sinh viên để có thể đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực môi trường ở Trent qua các chương trình hợp tác song phương giữa Canada và Việt Nam. Ngoài ra, trong suốt 20 năm qua, ĐH Trent luôn đứng đầu Canada về hỗ trợ học phí cho sinh viên nước ngoài qua nhiều chương trình học bổng.

Tôi đang cố gắng hỗ trợ đại diện của Trent ở Việt Nam để giúp đỡ nhiều các bạn trẻ và gia đình Việt Nam hơn nữa để tiếp cận với thông tin và có được cơ hội du học Canada.

Thực địa và thu mẫu tại cảng Toulon, Pháp, năm 2012. Ảnh: NVCC

Anh có đồng ý với nhận định một thời gian dài chúng ta đã đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người Việt Nam để tăng trưởng kinh tế? Và liệu với những thực tế rừng trọc, nước khô hạn, ô nhiễm bủa vây… thì đâu là phương thuốc chữa lành?

Cũng giống như sức khỏe con người, dù có tìm được pháp đồ điều trị tốt nhất cũng cần thời gian để loại bỏ mầm bệnh và hồi phục sức khỏe. Môi trường cũng vậy, không có phương thuốc nào có thể chữa lành cho môi trường một cách nhanh chóng. Tôi vốn là một người tích cực và không muốn nói về quá khứ. Những gì chúng ta đã làm không thể thay đổi, và mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong đó. Chính vì vậy, thay vì oán trách thì chúng ta cần chung tay để bảo vệ môi trường. Và mỗi chúng ta cần bắt đầu ngay bằng những việc rất nhỏ, như tìm hiểu thông tin và kiến thức, giảm thiểu và phân loại rác thải, giảm thiểu các hành động gây ô nhiễm môi trường.

Ở các cấp cao hơn như các Bộ và Ngành, tôi hy vọng chúng ta sẽ có nhiều dự án và hỗ trợ để ứng dụng khoa học môi trường vào thực tiễn, vào các chính sách và định hướng phát triển. Rõ ràng, phải có sự đồng lòng và hợp tác mới có thể thay đổi Việt Nam và biến chúng ta thành một con rồng châu Á, mạnh về kinh tế xã hội và giàu về tri thức.

Tôi hy vọng Việt Nam của tương lai sẽ không phải một con rồng giàu có nhưng ốm yếu.

Tương lai là ẩn số bởi không ai nói trước được điều gì nhưng chí ít những gì chúng ta làm hôm nay góp phần quyết định ngày mai. Hiện tại thì ai cũng thấy về sự đi xuống của hệ sinh thái, sự gia tăng của biến đổi khí hậu, nhiều vấn đề về thiên tai, ô nhiễm, bệnh tật… Với những biến cố mang tính toàn cầu ấy, anh có tin loài người sẽ thức tỉnh để đồng lòng “chữa lành” trái đất? Về phần mình, nếu có thể anh sẽ đưa ra cảnh báo gì?

Chắc chắn những vấn đề môi trường không phải là vấn đề của một quốc gia mà là của nhân loại. Trong quá khứ, rất nhiều các vấn đề môi trường mang tính toàn cầu đã được giải quyết do cộng đồng quốc tế đồng lòng hành động và hợp tác. Ví dụ như lỗ hổng tầng ozone đã được giải quyết triệt để sau hơn 30 năm nhờ vào nghị định thư Montreal năm 1987. Điều đó chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề nếu khoa học được áp dụng vào chính sách môi trường.

Đương nhiên chúng ta chỉ làm được điều đó với sự đồng thuận chung của nhân loại. Với vấn đề biến đổi khí hậu, có nhiều quốc gia đã chứng tỏ sự không đồng thuận đó như không tham gia hoặc tự rút khỏi khỏi Hiệp định Paris để giảm thải khí nhà kính. Và điều đáng buồn là rất nhiều quốc gia khác sẽ phải gánh hậu quả. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất với các hiện tượng như triều dâng, xâm nhập mặn, bão nhiệt đới và hạn hán.

Với những vấn đề lớn như vậy, có vẻ như mỗi chúng ta không thể làm quá nhiều để thay đổi, nhưng tôi hy vọng mỗi chúng ta và đặc biệt là thế hệ trẻ có thể trang bị kiến thức để hiểu được bản chất vấn đề, nỗ lực kết nối Việt Nam với thế giới để có được tiếng nói chung trong cộng đồng quốc tế và chung tay giải quyết.

Sở hữu 21 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó đa số bài anh là tác giả chính. Thời gian biểu một ngày của anh, đặc biệt là thời gian cho nghiên cứu có gì đặc biệt? Và, bí quyết sau những thành công ấy là gì?

Phải nói rằng ngoài nghiên cứu, với vị trí của một Giáo sư thì tôi còn nhiệm vụ giảng dạy và nghĩa vụ khoa học. Ở Trent, mỗi Giáo sư thường dạy hai môn học mỗi kỳ. Ngoài ra, tôi còn đang là điều phối của chương trình đào tạo cử nhân về hóa môi trường. Về nghĩa vụ khoa học thì tôi là thành viên của ban giám đốc của Trung tâm chất lượng nước và là Phó Tổng biên tập của một tạp chí khoa học. Ngoài ra, các Giáo sư còn nhiều công việc khác như tham gia các hoạt động của khoa, trường, hội đồng bảo vệ của sinh viên Thạc sĩ và Tiến sĩ, định hướng chiến lược cho nhóm nghiên cứu, liên lạc và phát triển các quỹ để làm khoa học. Như vậy thấy rằng thời gian chúng tôi có để làm nghiên cứu không có nhiều.

Bí quyết thì thực ra là một Giáo sư trẻ, tôi còn phải học hỏi rất nhiều và phải tìm ra cân bằng cho nhóm nghiên cứu của mình. Nhưng có lẽ quản lý thời gian hiệu quả là chìa khóa để có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ mình cần phải làm.

Vậy cuộc sống gia đình nhỏ của anh hiện tại ra sao? Tình hình dịch bệnh COVID-19 có bị xáo trộn nhiều? Bí quyết cân bằng giữa thời gian cho công việc và cho những người thân yêu của anh là gì?

Ngoài công việc thì đương nhiên chúng ta còn có gia đình. Chắc chắn ai cũng biết rằng gia đình là điều quan trọng hơn tất cả. Tôi có hai con nhỏ (2 và 4 tuổi) và sắp xếp thời gian dành cho các con luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi cũng rất may mắn là có sự hỗ trợ của mẹ và vợ để tôi có thể tập trung vào công việc. Chính vì vậy thì một ngày làm việc của tôi cũng kéo dài tới khá muộn và thường là không có cuối tuần.

Dù chúng ta có sắp xếp thời gian tốt như thế nào thì cũng không thể vượt quá 24 giờ một ngày.

Kế hoạch năm 2021 của anh là?

Tôi còn rất nhiều các dự định chưa thể làm được ở năm 2020 do dịch bệnh. Chính vì vậy, năm 2021 dự kiến sẽ rất bận rộn. Có một dự án mà tôi thực sự muốn thực hiện đó là tổ chức mội hội thảo sinh viên quốc tế ở Việt Nam với Viện Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường (IIES). Đây là một hệ thống gồm rất nhiều trường ĐH hàng đầu thế giới về lĩnh vực môi trường và chính sách môi trường. Chính vì vậy tôi rất hy vọng có sự góp mặt của các trường Việt Nam và tổ chức một hội thảo để các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội tiếp cận hơn với khoa học quốc tế và phát triển các kỹ năm mềm.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

TS. Đặng Đức Huy sinh năm 1988, hiện là giáo sư tập sự ở lĩnh vực hóa học môi trường, Đại học Trent (Canada). Anh sở hữu 21 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.

– Tác giả chính một bài báo khoa học đạt giải thưởng báo cáo poster xuất sắc tại hội thảo khoa học quốc tế.

– Giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc năm 2015 của Hội Hóa học Pháp vùng PACA. Kết quả luận án này đã chứng minh cho Chính quyền vùng PACA thấy tác động của ô nhiễm kim loại lên đa dạng sinh học, và đặc biệt là sức khỏe con người ở vùng duyên hải Địa Trung Hải. Từ đó, góp phần thúc đẩy Chính quyền vùng PACA chi 93 triệu Euro nhằm nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon.

– Giải nhất Giải thưởng sinh viên xuất sắc cấp thạc sĩ năm 2011 của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.

– Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020.

– Anh còn là phó tổng biên tập Tạp chí Archives of Environmental Contamination and Toxicology (chuyên về độc học và ô nhiễm môi trường), NXB. Springer.

Theo Trung Dũng/Người đô thị

Ảnh: GS-TS Đặng Đức Huy và vợ con tại Canada. Ảnh: TLGĐ