Gian nan tìm nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt mùa khô ở Bến Tre

Hiện nay, bước vào cao điểm mùa khô hạn, vấn đề nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhiều hộ dân ở tỉnh Bến Tre gặp khó khăn. Nhiều hộ dân phải sử dụng nước sinh hoạt nhiễm mặn hoặc phải mua nước ngọt với giá cao.

Mấy ngày nay, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng như nhiều hộ dân ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải sử dụng nguồn nước cấp từ trạm cấp nước tập trung bị nhiễm mặn gần 1/1000 cho việc tắm gội, giặt giũ. Để chủ động ứng phó với khô hạn, gia đình bà Tuyến có dự trữ nước mưa trong lu hồ để nấu ăn, uống.

“Nước này thì dùng để giặt đồ, tắm với rửa, nấu ăn thì có nước mưa. Chúng tôi phải dùng nước tiết kiệm, vợ chồng tôi cố gắng không dùng nhiều”, bà Tuyến nói.

Tại xã Thạnh Phước – vùng nông thôn ven biển của huyện Bình Đại, phần lớn người dân, cơ quan, trường học đều phải sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn với giá trên 10.000 đồng/khối. Dù biết rằng, nguồn nước này không tốt cho sức khỏe nhưng không còn nguồn nước nào để thay thế. Riêng nước để nấu ăn, uống thì người dân phải xây hồ, lu, bể dự trữ nước mưa và phải sử dụng rất tiết kiệm.

Bà Nguyễn Thị Kịp, ở ấp 2, xã Thạnh Phước bày tỏ: “Nước ở vùng ven biển không có ngọt, nước mặn không đạt chất lượng. Giá cả cũng bình thường. Nước uống thì dùng nước mưa, do mình dự trữ. Nhà tôi có 7-8 cái hồ, hồ bự, không sợ nước hụt chỉ sợ thiếu nước sinh hoạt thôi”.

Người dân vùng nông thôn vét mót từng ca nước ngọt

Những ngày gần đây, nước mặn tấn công sâu vào nội đồng của tỉnh Bến Tre. Nhiều hệ thống sông, rạch ở các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú nước bị nhiễm mặn trên 4 phần nghìn. Trong khi đó, phần lớn địa bàn tỉnh Bến Tre mạch nước ngầm đều bị nhiễm mặn nên các nhà máy nước phải lấy nguồn nước mặt để xử lý phục vụ cho người dân.

Thời điểm này, một số trạm cấp nước tập trung ở huyện Giồng Trôm, Bình Đại phải sử dụng nguồn nước ngọt do sà lan chở từ thượng nguồn của sông Tiền về pha trộn với nguồn nước tại chỗ cung ứng cho người dân sinh hoạt. Do chi phí tăng nên ở nhiều khu vực của huyện Giồng Trôm người dân được thông báo từ đơn vị cấp nước là phí nước sẽ tăng lên 51.500 đồng/m3, cao gấp 5 lần so với giá bình thường.

Người dân huyện Bình Đại xây hồ trữ nước mưa đối phó mùa khô hạn

Ông Trần Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Tre cho biết, giá nước này áp dụng theo Quyết định số 03 do UBND tỉnh Bến Tre ban hành ngày 9/2/2021, trong đó có tính chi phí vận chuyển và các chi phí tăng thêm như hóa chất để khử mặn, điện bơm…

“Công ty cũng đã phát hành hóa đơn kỳ 2 rồi nhưng chưa thu, sắp tới là hóa đơn kỳ 3 cũng chưa tính đơn giá mới. Nhà máy bị xâm nhập mặn, tuy nhiên đơn vị cấp nước phải có giải pháp chở nước hay lọc bằng máy RO mới được thu giá mới. Chúng tôi đã trình Sở Tài chính, chỉ tính những chi phí trực tiếp như: chi phí vận chuyển, điện… chứ không tính lợi nhuận trong đó”, ông Trần Hùng cho biết.

Người dân xã ven biển Thạnh Phước, huyện Bình Đại có cuộc sống khó khăn lại phải gánh chi phí “mua” nguồn nước ngọt

Nguồn nước ngọt khan hiếm vào mùa khô là câu chuyện thường xảy ra ở xứ dừa Bến Tre. Vấn đề cần được quan tâm là đi đôi với việc tiết kiệm nguồn nước, tích cực dự trữ nước ngọt, giữa doanh nghiệp, đơn vị cung cấp nước và người dân cùng chia sẻ, hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm trong việc cung ứng và sử dụng nguồn nước ngọt mùa khô. Trong đó, vấn đề chất lượng nguồn nước cần quan tâm hơn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Theo VOV.VN

Ảnh: Nguồn nước mặn trên sông, rạch bao trùm cả tỉnh Bến Tre

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/gian-nan-tim-nguon-nuoc-ngot-phuc-vu-sinh-hoat-mua-kho-o-ben-tre-841393.vov