Giảm phát thải khí nhà kính vì một thành phố ‘xanh’

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, và thúc đẩy các giải pháp xanh sẽ là yếu tố giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.

Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp xanh là xu hướng tất yếu của các thành phố trong tương lai, giúp Việt Nam đạt được các cam kết về cắt giảm khí thải.

Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. Được biết, tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact).

Theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố tại COP26 vào ngày 9/11 cho biết với các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030 mà các nước đã cam kết, nhiệt độ Trái Đất dự kiến sẽ tăng 2,4 độ C trong thế kỷ này.

Có thể thấy, những tuyên bố hết sức mạnh mẽ của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

Hội thảo trực tuyến “Giải pháp xanh giảm phát thải khí nhà kính trong các thành phố” vừa qua được tổ chức bởi Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KHKTTV&BĐKH) phối hợp cùng UBND TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).

Theo ông Đỗ Đình Chiến – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, có thể nhận thấy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo, và thúc đẩy các giải pháp xanh, các giải pháp dựa vào tự nhiên đóng một vai trò quan trọng để giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.

Đây cũng là những mục tiêu và và nội dung ưu tiên trong các văn bản quyết sách quan trọng của tỉnh Quảng Nam liên quan đến các công tác về ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế địa phương như: Ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Kế hoạch hành động Tăng trưởng Xanh tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; hay Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020 và sau năm 2020. Tỉnh Quảng Nam đã và đang thể hiện quyết tâm cao cùng Chính phủ để đạt được mục tiêu theo kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Với mục tiêu kỳ vọng đến năm 2030, hầu hết các tỉnh/thành phố của Việt Nam đều xây dựng được các mục tiêu cụ thể và chính xác trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, Chương trình Thành phố Xanh (OPCC) đã hỗ trợ các thành phố trong tiến trình triển khai các hoạt động nhằm đóng góp cho các mục tiêu chiến lược chung trong bản Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC), Chiến lược Tăng trưởng Xanh quốc gia và Hiệp định Paris…

Theo kết quả kiểm kê, ba lĩnh vực phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam là: Năng lượng cố định (chủ yếu là điện năng trong các khu nhà, sản xuất công nghiệp – xây dựng); Giao thông; Chất thải (rác thải và nước thải). Để giảm phát thải nhà kính trong thành phố, nhiều địa phương đã triển khai các dự án phát triển năng lượng tái tạo; giao thông xanh…. Điển hình như tại thành phố Tam Kỳ, các dự án trồng rừng phục hồi hệ sinh thái Sông Đầm; Hệ thống đèn LED có cảm biến; Phân loại rác tại nguồn… đang bước đầu cho kết quả khả thi.

Theo đại diện WWF, Chương trình thành phố Xanh được khởi xướng nhằm kêu gọi hành động và hỗ trợ các thành phố trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng đến một tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời thúc đẩy các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Anh Tuấn, cố vấn kỹ thuật Chương trình thành phố Xanh của WWF, chia sẻ Chương trình thành phố Xanh được WWF tổ chức thí điểm ở Thụy Điển vào năm 2011 và bắt đầu lan tỏa khắp thế giới từ năm 2013.

Từ năm 2017, chương trình được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với quy mô ngày càng mở rộng và hiện đã có sự tham gia của hơn 320 thành phố ở 20 quốc gia. Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đã được WWF công bố là Thành phố Xanh quốc gia năm 2018, đồng thời lọt vào top 21 thành phố trên thế giới cho danh hiệu “Quán quân toàn cầu”…

Lan Anh (T/h) – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp xanh là xu hướng tất yếu của các thành phố trong tương lai. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-vi-mot-thanh-pho-xanh-61892.html