Là một tỉnh nghèo nên nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Thế nhưng, địa phương này lại đang chật vật giải “bài toán” có tiền mà không tiêu được, trong giải ngân vốn đầu tư công.
*Vướng mặt bằng – các dự án lỡ hẹn về đích
Đường Hoàng Diệu dài gần 5 km, có vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, chạy dọc bờ Bắc sông Hiếu đoạn qua thành phố Đông Hà, thi công đã gần 3 năm nhưng vẫn chưa xong. Trong khi, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu khánh thành công trình này vào tháng 9/2019. Công trình thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mekong, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Con đường này được kỳ vọng, tạo điểm nhấn về cảnh quan cho thành phố Đông Hà; đồng thời thu hút các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị ở phía Bắc sông Hiếu. Thế nhưng dự án vẫn chưa biết khi nào mới hoàn thành. Những ngày đầu tháng 8/2020, lưu thông trên cùng tuyến đường Hoàng Diệu, nhưng mọi người lại có những trạng thái khác nhau.
Chuyện là cứ đi được một đoạn đường đã làm xong thông thoáng, lòng đường rộng hàng chục mét, mặt đường thảm nhựa phẳng lỳ, thì lại gặp một đoạn đường đầy ổ voi, ổ gà và chỉ rộng từ 2 – 3m, mà người dân thường gọi là nút “thắt cổ chai”. Có điều bất cập này là do, một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, để thi công hoàn thành toàn tuyến đường Hoàng Diệu.
Bà Nguyễn Thị Sen, 70 tuổi, ở số nhà 174 Hoàng Diệu, là một trong những hộ chưa di dời, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trước nhà bà Sen là một trong những nút “thắt cổ chai” trên đường Hoàng Diệu. Tại đây, lòng đường Hoàng Diệu chỉ rộng 2 – 3m, mặt đường chưa được thảm nhựa, đất đá lổn nhổn, ngày nắng bụi mù mịt, mưa thì lầy lội.
Theo bà Nguyễn Thị Sen, gia đình và cơ quan chức năng chưa thống nhất được phương án đền bù nên chưa giao mặt bằng. Cụ thể, gia đình có đông con nên mong muốn cơ quan chức năng, bố trí đất tái định cư, nhưng chưa được chấp thuận. Gia đình bà cũng không muốn sống mãi trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, phía trước nhà đường chật hẹp, lầy lội, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.
Cầu An Mô, vượt sông Thạch Hãn, nối thị trấn Ái Tử và xã Triệu Long thuộc huyện Triệu Phong, là một trong những “địa danh”, được người dân và báo chí nhắc đến nhiều nhất trong khoảng 5 năm qua. Dự án xây dựng cầu An Mô được khởi công xây dựng hồi cuối năm 2012, dự kiến hoàn thành sau 2 năm thi công. Ngày khởi công dự án, người dân địa phương rất phấn khởi.
Bởi họ đã phải đi lại qua cây cũ nằm phía đối diện, đã xuống cấp và chật hẹp, suốt nhiều năm qua. Cầu An Mô có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, trong đó riêng phần xây cầu là 75 tỷ đồng. Cầu An Mô có 7 nhịp, dài 257m, rộng 10,5m. Năm 2014, phần xây dựng cầu An Mô cơ bản hoàn thành, nhưng đến nay toàn dự án vẫn chưa hoàn thành, do vướng mắc giải phóng mặt bằng, để thi công đường dẫn lên cầu.
Từ năm 2014 – 2019, cầu An Mô nằm “án binh bất động”. Đến cuối năm 2019, đường dẫn lên cầu An Mô mới được khắc phục những chỗ sụt lún và rải đá dăm lên bề mặt, để các phương tiện có thể lưu thông. Do mặt đường dẫn chỉ rải đá dăm nên bụi hoặc lầy lội thường xuyên xảy ra, theo thời tiết nắng, mưa.
Ông Phan Quang Giải – Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, còn 5 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công hoàn thành đường dẫn lên cầu An Mô ở phía xã Triệu Long vì họ cho rằng, giá đền bù nhà, đất còn thấp. Huyện đã xin ý kiến của tỉnh điều chỉnh lại giá để đền bù cho các hộ này phù hợp hơn.
Cũng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mà dự án Đường trung tâm dọc Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, không giải ngân hết được vốn đầu tư công. Dự án này được khởi công tháng 8/2018, có tổng chiều dài 23,5km, điểm đầu ở phía Nam cầu Cửa Việt, xã Triệu An thuộc huyện Triệu Phong và điểm cuối ở xã Hải Dương thuộc huyện Hải Lăng.
Tuyến đường có nền đường rộng 50m, mặt đường rộng 34m bằng bê tông nhựa, dải phân cách giữa rộng 4m, vỉa hè mỗi bên rộng 6m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 630 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ.
Đến tháng 11/2019, dự án cơ bản hoàn thành hạng mục chính và đưa vào sử dụng. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, khối lượng thực hiện và giải ngân của dự án đã đạt trên 607 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 96% kế hoạch vốn bố trí.
Tuy nhiên, một số hạng mục bổ sung của dự án chưa hoàn thành, do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nên còn trên 22 tỷ đồng không được Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Qua đó, việc thực hiện hoàn thành một số hạng mục bổ sung của dự án gặp khó khăn.
*Tháo gỡ “điểm nghẽn” về mặt bằng
Theo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, địa phương có hơn 100 dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, không triển khai thi công được dẫn đến không thể giải ngân được vốn đầu tư công.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm là do không có sự thống nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong giải phóng mặt bằng mà hôm nay kiểm đếm nói giá “A”, ngày mai kiểm đếm nói giá “B”, nhân dân không tin. Nhà ông “A” nói giá này, nhà ông “B” nói giá khác, mà hai nhà tương đồng, khiến người dân thắc mắc, khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, Quảng Trị là tỉnh nghèo, đi xin nguồn vốn đầu tư là cả quá trình khó. Trong khi các công trình rất cần tiền, nhưng có tiền lại không tiêu được, dẫn đến bị cắt vốn, mất vốn. Do đó, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác này làm chưa tốt, để tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, giải phóng mặt bằng đang là khâu khó nhất trong thi công dự án. Để làm tốt giải phóng mặt bằng, phải huy động người có kinh nghiệm, chuyên gia giỏi về pháp lý, tài chính, quản lý đất đai; đặc biệt là làm tốt công tác dân vận; đồng thời, linh hoạt trong điều hành để giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, cần xây dựng đầu tư công trung hạn, tập trung vào dự án có tính động lực, tránh trùng lặp, manh mún nhỏ lẻ.
Năm 2020, tổng vốn đầu tư công do tỉnh Quảng Trị quản lý là 3.633 tỷ đồng. Đến giữa tháng 7/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 25,8%; thấp so với yêu cầu của Trung ương và tỉnh. Tỉnh Quảng Trị có 45 dự án giải ngân vốn đầu tư công chậm khi tỷ lệ giải ngân chỉ dưới 20%. Các dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.950 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020.
Đặc biệt, tỉnh còn có 29 dự án chưa giải ngân được, với tổng vốn đầu tư 512 tỷ đồng, chiếm 13,8% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2020.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu công chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến doanh nghiệp không huy động được nhân lực để thi công dự án; người dân chưa đồng tình về phương án, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; vướng mắc về thủ tục đầu tư; nguồn vốn giải ngân phụ thuộc vào nguồn thu, tức là tiến độ nguồn thu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giải ngân vốn; một số địa phương, đơn vị còn sao nhãng trong giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Trương Chí Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho rằng, để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, tỉnh cần tập trung chỉ đạo các địa phương, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng; rà soát, tháo gỡ khó khăn và đơn giản hóa thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án; làm tốt công tác chuyển vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn; đẩy nhanh quyết toán.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Trần Huy phân tích thêm, phải xác định được, giải phóng mặt bằng nằm ở khâu nào trong xác định đầu tư dự án. Có hay không khi đã xác định được dự án nhưng lại không công khai, minh bạch trong vấn đề giải phóng mặt bằng, khiến người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Do đó phải kiểm tra, giám sát sự thành công của dự án. Bởi dự án không được đánh giá về hiệu quả, người dân không tin tưởng, dẫn đến chây ì bàn giao mặt bằng.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang xem xét lập cơ quan giải phóng mặt bằng cấp tỉnh, để chuyên giải quyết vấn đề này. Cơ quan này đảm bảo không tăng về biên chế, đầu mối và là sự nghiệp công tự thu, tự chi. Đơn vị này, khi thiết kế dự toán giải phóng mặt bằng, phải làm chính xác, nhất quán để người dân tin tưởng, đồng thuận.
Theo Bnews
Ảnh: Ảnh minh họa: TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây:
https://bnews.vn/giai-phong-mat-bang-tro-ngai-chinh-giai-ngan-von-dau-tu-cong/165600.html