Hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng.
Muốn khắc phục thực trạng đó, cần đưa ra được giải pháp cụ thể và đồng bộ về cả chính sách và công nghệ trong xử lý chất thải.
Tại Hội thảo quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 25-26/8, ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) đã đưa ra những nhận định về thực trạng, giải pháp và các kiến nghị cho hoạt động nói trên.
Thực trạng
Nói về môi trường hiện nay, chúng ta đều hình dung là việc thu gom xử lý rác, song nhiệm vụ, dịch vụ của môi trường rất rộng và nhiều lĩnh vực. Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều bất cập về việc thu gom xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Về vấn đề xử lý rác hiện nay được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020 và có hiệu lực từ tháng 01/2022, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; và gần đây là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Song song đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32 và Nghị quyết số 16 về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thiền cho biết, việc xử lý chất thải, được quy định tại Điều 55, mục 3 “Các hoạt động được hỗ trợ từ quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam”, Chương VI về quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác, tại Điều 72, mục 5 “Nhà nước có chính sách xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng”…; Điều 78 Xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Mục 1 “Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt” ; và mục 6 “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt….”, song song đó Nghị định 08/2022 tại chương V, Điều 63 mục c cũng nêu đây là trách nhiệm UBND các cấp. “Ban hành biện pháp thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư…”
Về cơ bản Luật Bảo vệ môi trường cũng đã nêu mục tiêu, định hướng những việc cần phải làm để thực hiện việc thu gom xử lý rác, nhất là rác sinh hoạt sao cho văn minh, khoa học và bền vững. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT của Biwase, chúng ta chỉ mới có mục tiêu cần đến, còn con đường đến đó như thế nào, những khó khăn, trở ngại xử lý ra sao, những việc làm cụ thể thuộc cơ quan nhà nước nào, huy động ra sao? thì chưa rõ.
Hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng mà chỉ mới nêu: Khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi? thực thi như thế nào? Khuyến khích ưu đãi khác nhưng chưa nêu cụ thể ưu đãi cái gì. Vì thế, sẽ dẫn đến nhiều bất cập như: Một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển cũng không bền vững. Sau một thời gian vận hành thì các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Một số lò đốt rác được cho là có công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỷ lệ lớn khó xử lý, chuyển thành rác nguy hại phải đi chôn lấp, xử lý lại chi phí rất lớn.
“Chúng ta nhìn bên cạnh là ngành điện. Với điện, điện “sạch” khi chúng ta có chủ trương tốt về giá, về đất (quy hoạch), vốn và các cơ chế đầu tư ưu đãi thì nguồn điện sạch từ năng lượng gió, mặt trời phát triển nhanh chóng… đến nỗi đường dây tải , tuyến tải làm không kịp” – ông Nguyễn Văn Thiền nói.
Giải pháp
Trước thực trạng nêu trên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo của Biwase đã đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Thiền, với lĩnh vực rác, cần có cơ chế tương tự như ngành điện.
Thứ nhất, về giá: Giá cho từng loại hình xử lý phải thích hợp. Bộ Tài chính cần xây dựng khung giá cho xử lý chất thải.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách: Cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ như: Ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm; Bảo trợ, hỗ trợ, bù giá để giảm giá thành sản phẩm tái chế, giúp thị trường dễ tiêu thụ.
Đơn cử như phân bón hữu cơ, phải bao cấp để khuyến khích người dân sử dụng. Các doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất nông nghiệp ưu tiên sử dụng phân hữu cơ từ rác tái chế (dĩ nhiên sản phẩm phải đạt chuẩn do Bộ NN&PTNT cấp phép), hạn chế sử dụng phân hữu cơ từ than bùn gây ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Gạch sản xuất từ vật liệu tái chế, phải ưu tiên sử dụng và hỗ trợ giá, chất lượng gạch đạt chuẩn, những vật liệu từ tái chế phải ưu tiên sử dụng tương tự như gạch xây dựng không nung hiện nay như ngành xây dựng đã làm. Hạt nhựa tái chế phục vụ các sản phẩm nhựa như pallet, túi ươm cây, vải bạt nông nghiệp… cũng cần trợ giá.
Đặc biệt về điện rác, cần có chính sách giá và ưu tiên đấu nối với giá cả tốt. Việc này các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ ngành điện. Điện rác thực tế công suất không đáng kể so với tổng nhu cầu.
Thứ ba, về chính quyền địa phương: Các địa phương phải dành quỹ đất thích hợp cho việc xử lý rác của địa phương mình, giống như xây nhà ở thì phải có nhà vệ sinh, chứ nói “không có/ không đủ đất” là không thuyết phục, Luật đã có nhưng chưa làm. Việc thanh toán phải tiền dịch vụ môi trường phải sòng phẳng, kịp thời… Thực tế, một số địa phương hiện nay nợ cả 6 tháng, thậm chí cả năm chưa thanh toán tiền vận chuyển, xử lý rác… ảnh hưởng lớn đến hoạt động, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Thứ tư, về vốn: Hiện nay mức cho vay quá thấp, trong khi dự án xử lý chất thải yêu cầu vốn nhiều, với công nghệ hiện đại từ 300 tỷ đến 1.000 tỷ đồng, đề nghị cho vay khoảng 50% giá trị dự án và thế chấp từ tài sản hình thành. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp mới ra đời thì tài sản đâu để thế chấp?
Kiến nghị
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT của Biwase đã đưa ra những kiến nghị cụ thể. Theo ông, Bộ TN&MT cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành xử lý chất thải tại Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thứ nhất, về điện rác: Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần ưu tiên đấu nối với các cơ sở phát điện từ việc xử lý rác. Giá điện rác không thấp hơn giá điện gió trước tháng 09/2021. Các dự án điện rác hiện tại cần nguồn vốn khá lớn nên đơn vị cho vay cũng lo sợ mất vốn, do đó đề nghị không quá 50% chi phí thực hiện và tín chấp (thế chấp từ tài sản hình thành), vì doanh nghiệp mới ra đời nên không có sẵn tài sản thế chấp.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách: Ưu tiên sử dụng các vật liệu từ tái chế (dĩ nhiên sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn). Cũng như gạch xây dựng không nung, hiện nay các loại gạch tái chế từ rác phải được sử dụng ít nhất là 50% cho công trình xây dựng thay cho gạch nung. Phân hữu cơ phải đạt tiêu chuẩn do Bộ NN&PTNT cấp phép sử dụng, các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình ưu tiên sử dụng phân hữu cơ từ rác… trước khi sử dụng phân hữu cơ từ than bùn hữu cơ. Song song đó, cần hỗ trợ giá phân bón hữu cơ, giúp người dân sử dụng vào sản xuất sạch để bảo vệ độ phì nhiêu cho đất, hạn chế sử dụng phân vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với vấn đề tái chế ni-lông: Cần phải chấp nhận một thực tế tất yếu, đó là trong rác không thể nào không có ni-lông và cả thế giới này cũng không tránh khỏi việc sử dụng nó. Vì thế cần khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác. Để làm tốt việc này, Chính phủ phải có cơ chế ưu đãi, khuyến khích tái chế ni-lông, ni-lông cần được tái chế từ 3 đến 4 lần… cho đến khi làm chậu trồng hoa kiểng, túi ươm cây, bạt nông nghiệp,… đến lúc này thì mới đem đi tiêu hủy.
Miễn giảm tối đa các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động về rác thải (sản xuất, xử lý, phương tiện, thiết bị…)
Thứ ba, về công nghệ: Hiện nay xung quanh chúng ta có rất nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới. Nếu chúng ta có cơ chế thích hợp thì các công nghệ đó sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam, vì trong sản xuất kinh doanh muốn có hiệu quả tốt thì công nghệ phải tốt. Tuy nhiên, do đặc thù nước Việt Nam trải dài, địa hình, thổ nhưỡng khác nhau, nên tùy đặc điểm địa chất, địa hình, mật độ dân số, kinh tế xã hội từng địa phương mà khuyến khích lựa chọn loại hình công nghệ xử lý, phương pháp xử lý thích hợp. Những loại hình công nghệ xử lý rác còn hạn chế thì không cho phép sử dụng.
Thứ tư, một số vấn đề khác: Tại Chương V, Điều 63: “Chính quyền địa phương ban hành các biện pháp, cơ chế, chính sách … về rác”, theo đại diện Biwase, ý này khó thực hiện vì quá “nguy hiểm” cho chính quyền cấp dưới trung ương, không thể trông đợi vào đây được. Do vậy, Chính phủ nên ban hành chính sách chung cho toàn quốc.
Ông Nguyễn Văn Thiền nêu thực tế tại Bình Dương từ năm 2005 đến nay giải quyết được cơ bản ổn vấn đề rác thải (rác sinh hoạt và rác công nghiệp), chính quyền cũng không phải bận tâm đến việc này nhiều là nhờ khi quy hoạch có dành quỹ đất thích hợp; giá cả tương đối chấp nhận được, nhưng cũng rất cạnh tranh; thanh toán tương đối kịp thời; vốn thu xếp tương đối ổn vay ODA (tuy nhiên có lúc phải nhờ vốn của nước sạch hỗ trợ); đội ngũ CBCNV có tay nghề, lương chấp nhận được, thực hiện đúng quy trình tu bổ nhà máy, thiết bị.
Nhờ ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quan tâm đến yếu tố con người, hiện nay Biwase có đội ngũ công nhân, kỹ sư đủ năng lực thiết kế, gia công các dây chuyền xử lý rác như làm phân compost, lò đốt, xử lý nước rỉ rác ra tiêu chuẩn A… và nhiều dây chuyền tái chế rác khác ra sản phẩm có ích, hạn chế chôn lấp… Những kết quả đó cũng được Bộ TN&MT cũng như các đoàn tham quan, kiểm tra/giám sát của Quốc hội đánh giá cao.
Tuy nhiên Bình Dương chỉ là một địa phương điển hình, những kết quả đó nếu được hoàn chỉnh hơn, nhân rộng ra thì sẽ góp phần đáng kể, giảm nhẹ gánh nặng về rác thải cho chính quyền địa phương và xã hội.
Cuối cùng, lãnh đạo của Biwase mong muốn Bộ TN&MT dành nhiều thời gian xây dựng cơ chế đầy đủ hơn, thiết thực hơn trong quản lý rác thải để các địa phương lấy đó làm phương tiện giải quyết vấn đề rác thải có tính căn cơ, ổn định lâu dài.
Minh Đan (thực hiện)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương trả lời phỏng vấn báo chí tại hội thảo